Trên thực tế, giới phân tích cho rằng rủi ro lớn hơn không nằm ở nợ trái phiếu phát hành bằng USD mà chính là nợ bằng đồng nội tệ của Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Cách đây 2 năm, đợt lao dốc chóng mặt của chứng khoán Trung Quốc, một cú phá giá đồng Nhân dân tệ đầy bất ngờ, và dự trữ ngoại hối sụt giảm của nước này đã khiến thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn. FED vì thế đã phải hoãn tăng lãi suất. Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, FED đã nâng lãi suất cơ bản đồng USD và kể từ đó tiếp tục thắt chặt chính sách hơn nữa.
Giờ đây, một số chuyên gia cho rằng những rủi ro đang nổi lên đối với nợ trái phiếu USD của Trung Quốc có thể khiến FED phải “chùn tay” trong việc tăng lãi suất, cho dù các ngân hàng trung ương khác phát tín hiệu dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
Chắc chắn là quan chức FED sẽ không “nói toạc móng heo” rằng nợ của Trung Quốc là một rủi ro lớn được đề cập trong các cuộc thảo luận chính sách của họ. Tuy nhiên, giới phân tích đã chỉ ra khả năng về sự lặp lại của những gì đã xảy ra vào tháng 9/2015 - khi những diễn biến ở Trung Quốc “trói tay” FED.
“Khi đó, tôi đã nói rằng chính sách tiền tệ của Mỹ không được tạo ra ở Washington, mà được tạo ra ở Bắc Kinh”, ông Joachim Fels, chuyên gia tư vấn kinh tế toàn cầu tại quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ PIMCO, phát biểu.
“Trung Quốc thực sự có ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ của các quốc gia khác… Từ đầu năm đến nay là một quãng thời gian khá yên ả đối với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, bởi không có cú sốc nào từ Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng điều này có thể thay đổi sau thời gian vài tháng nữa”, ông Fels nhận định.
Dư nợ trái phiếu USD do các thực thể Trung Quốc phát hành đã tăng khoảng 20 lần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, lên mức hơn một nửa nghìn tỷ USD - theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Trong đó, từ tháng 9/2015 đến nay, lượng dư nợ trái phiếu USD của Trung Quốc tăng 50%.
Nợ trái phiếu USD của Trung Quốc hiện chiếm khoảng 1/3 tổng dư nợ trái phiếu của các thị trường mới nổi, từ mức khoảng 1/4 vào tháng 9/2015, và chưa đầy 5% trước khi FED bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ vào tháng 12/2008.
Số liệu của BIS cho thấy 1/5 dư nợ trái phiếu USD của Trung Quốc sẽ đáo hạn trong vòng 1 năm. Hơn một nửa sẽ đáo hạn trong vòng 5 năm.
Một khi lãi suất vay nợ của Mỹ gia tăng do việc FED rút lui khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, lượng trái phiếu trên của Trung Quốc sẽ được đảo nợ thành khoản vay với chi phí cao hơn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này.
Một lựa chọn khác là các công ty Trung Quốc có thể chọn đảo nợ vay bằng đồng Nhân dân tệ, nhưng cách làm này sẽ gây áp lực khiến đồng Nhân dân tệ mất giá.
Cả hai cách làm này đều sẽ có những tác động lan tỏa trên phạm vi toàn cầu và đặt ra một thách thức lớn từ bên ngoài đối với chính sách của FED.
Ở thời điểm hiện tại, FED chưa nhận thấy rủi ro tức thời nào từ khối nợ USD của Trung Quốc.
“Đúng là Trung Quốc có nợ bằng đồng USD, nhưng nếu xem xét, bạn sẽ thấy là họ không phụ thuộc vào vay nợ bên ngoài nhiều như mọi người nghĩ”, Chủ tịch FED tại Dallas, ông Robert Kaplan, phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước.
Ngoài ra, một phần lớn số nợ vay bằng đồng USD của Trung Quốc mang có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chẳng hạn các công ty Trung Quốc vay vốn để đầu tư vào các dự án ở nước ngoài. Còn nếu những khoản vay USD này được chuyển đổi thành đồng Nhân dân tệ, thì sẽ giúp giảm áp lực mất giá đối với đồng nội tệ của Trung Quốc.
Trên thực tế, giới phân tích cho rằng rủi ro lớn hơn không nằm ở nợ trái phiếu phát hành bằng USD mà chính là nợ bằng đồng nội tệ của Trung Quốc. Hiện nay, nợ bằng Nhân dân tệ của Trung Quốc được các tổ chức đánh giá tín nhiệm ước tính đã lớn gấp 3 lần tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này.
“Trung Quốc đã đóng góp lớn vào sự vay nợ trên toàn cầu kể từ năm 2008”, ông Aidan Yao, chuyên gia kinh tế cấp cao về các nền kinh tế mới nổi ở châu Á thuộc Axa Investment Managers, phát biểu. “Khi thị trường rung lắc, chính sách của FED sẽ chịu tác động. Tiến trình bình thường hóa lãi suất của FED sẽ không phải là một đường thẳng”.