07/10/2015 8:33 AM
CafeLand - 12 quốc gia đã đạt được sự thống nhất cuối cùng trong đàm phán TPP là một sự kiện được chú ý nhất trong 2 ngày qua. Sức nóng của TPP được thể hiện qua việc thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 phiên tăng rất mạnh. Trên phương tiện truyền thông các chuyên gia, tổ chức đều đưa ra nhiều nhận định lạc quan về lợi ích của TPP. Đặc biệt HSBC vừa đưa ra một dự báo “khác người” khi cho rằng “thu nhập quốc dân của Việt Nam tăng 10% vào năm 2020”.

Việc Việt Nam gia nhập TPP chính thức vào năm tới là một bước ngoặt lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. TPP được xem là một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới hiện nay với nhiều tiêu chí mang tầm thời đại. Theo đó gần 90% hàng hóa lưu thông trong khu vực sẽ có thuế suất 0%. Bên cạnh đó còn một loạt điều kiện khắt khe khác như về sở hữu trí tuệ, quyền người lao động… Đối với Việt Nam lợi ích lớn nhất là các hàng hóa như dệt may, giày gia có thể xuất vào thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada với thuế suất 0%. Bên cạnh đó lợi ích còn đến từ việc có thể gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhưng đòi hỏi khắt khe khi gia nhập TPP có thể thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam nhanh hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó thì rủi ro cũng không ít khi mà các doanh nghiệp trong nước đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, rủi ro trong nền kinh tế sẽ gia tăng khi dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển nhanh hơn, cạnh tranh gay gắt hơn... Trước đây khi gia nhập WTO, Việt Nam được kỳ vọng lớn sẽ tạo ra một bước ngoặt phát triển. Tuy nhiên, thực tế kinh tế Việt Nam đã chịu nhiều rủi ro hơn dẫn đến những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua.

Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá lợi ích từ việc gia nhập TPP sẽ lớn hơn so với những thiệt hại. Theo Công ty nghiên cứu Eurasia Group TPP có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11%, xuất khẩu tăng thêm 28% trong thời gian từ nay đến năm 2025. Cùng chung quan điểm đó, Viện phó CIEM Võ Trí Thành cho rằng, TPP được ký kết là rất có ý nghĩa với Việt Nam. Cụ thể ông Thành nhận định các kết quả tính toán, việc tham gia TPP theo kịch bản xuất khẩu và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỉ đô la Mỹ và 36 tỉ đô la Mỹ hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP. Trong khi đó trả lời báo chí ngày 5/10, ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm ít nhất 8-10% đến năm 2030.

Cùng chung sự lạc quan đó, mới đây trong một lá thư gửi cho báo chí ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam viết “Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020”. Vị CEO của HSBC cũng cho rằng “Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép.”

Câu nhận nhận định của vị CEO HSBC không rõ ràng gây cho người đọc khó hiểu vì nhận định “TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020” là so với cái gì? Tuy nhiên, hiểu một cách “nôm na” là ông Hải cho rằng TPP có thể tăng GDP thêm 10% từ nay đến năm 2020 so với việc Việt Nam không gia nhập TPP.

Như vậy, nếu hiểu như trên thì so với các nhận định trên đây thì HSBC dường như đang lạc quan hơn rất nhiều chuyên gia, tổ chức khác. Mức tăng trưởng GDP tăng thêm mà HSBC dự bao lợi ích từ việc gia nhập TPP là 2%/năm, thay vì chỉ khoảng 1% hoặc dưới 1% như nhiều dự báo trích dẫn ở trên.

Không rõ HSBC căn cứ vào đâu để đưa ra những dự báo vì mức 10% cho năm 2020 có thể tương đương với khoảng 30 tỷ USD. Trong khi đó lợi ích trước mặt có thể nhìn thấy được khi gia nhập TPP của Việt Nam là ngành dệt may, giày da khi xuất khẩu vào Mỹ. Tuy vậy, trong ngành này hiện 70% nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu đều nhập từ Trung Quốc - một nước nằm ngoài TPP. Về nguyên tắc khoảng 70% hàng hóa này sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Như vậy, nếu không cải thiện được ngành nguyên phụ liệu trong nước thì lợi ích đối với ngành dệt may không lớn. Trong khi đó các ngành khác như thủy sản, nông sản, đồ gỗ hiện thuế suất xuất khẩu vào Mỹ là 0%. Do vậy, thực tế TPP không mang lại nhiều lợi ích cho những ngành này.

Đối với kỳ vọng cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư sau khi Việt Nam gia nhập TPP lại phụ thuộc rất nhiều vào những chính sách cụ thể của Việt Nam. Với tình hình hiện nay thì những kỳ vọng còn một chặng đường rất dài để có sự tiến triển đáng kể. Do đó trong một số năm tới TPP vẫn sẽ chưa tác động nhiều đến nền kinh tế.

Phân tích đó cho thấy dường như những nhận định của HSBC về tăng trưởng GDP Việt Nam khi gia nhập TPP là phi thực tế. “Nổ” của sếp HSBC khó trở thành hiện thực.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.