Sáng 28-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và năm 2012…

Nợ công được sử dụng và quản lý chặt chẽ


Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Tình hình nợ công ở Việt Nam đến 31-12-2010, tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2% và nợ công là 57,3%. Trong kế hoạch trình với Quốc hội là ước đến 31-12-2011 nợ công là 54,6%, đến hết 31-12-2012 nợ công này ước tính là 58,4%. Chỉ số này tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được 6,5% thì tỷ lệ nợ công này sẽ giảm thấp hơn đáng kể. Về cơ cấu nợ công trong tổng nợ công của Việt Nam, nợ ODA chiếm 75%, vay ưu đãi khác là 19%, vay thương mại là 7%. Trong 75% nợ ODA thời gian vay rất dài, lãi suất ưu đãi. Như: vay ngân hàng thế giới World Bank thời hạn vay là 40 năm, ân hạn 10 năm và lãi suất chỉ có 0,75%; vay ADB thời hạn là 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 1%; vay Nhật Bản thời hạn vay 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất từ 1% - 2%, thông thường là 1% còn một số khoản cao hơn chỉ 2%. Vì vậy, khi so với các nước cần chú ý cơ cấu này, nhất là đối với nợ công ở các nước đã phát triển và các nước đã thoát khỏi ngưỡng nghèo không giống Việt Nam vì nợ công của họ phần vay thương mại rất nhiều.



Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh: VPQH


Trên thế giới, phương pháp tính nợ công là khác nhau, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: ở các nước đã phát triển như Châu Âu người ta tính theo phương pháp tỷ lệ theo giá trị dòng tiền, còn Việt Nam tính theo phương pháp giá trị danh nghĩa. Nếu quy giá trị danh nghĩa này với giá trị dòng tiền hiện tại thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã báo cáo với Quốc hội sẽ còn thấp hơn.


Tuy vậy, Chính phủ cũng đã tính toán cơ cấu này và sẽ có thay đổi khi khoản ODA và ưu đãi đang giảm dần và vay thương mại đang có xu hướng tăng lên. Chính phủ đã tính toán kỹ vấn đề này để có chiến lược, kế hoạch quản lý nợ công thích hợp cho từng giai đoạn.


Đối với nợ Chính phủ: nợ nước ngoài chiếm 58% và đang có xu hướng giảm trong cơ cấu, còn nợ trong nước là 42% và xu hướng này đang tăng lên. Đây là một xu hướng tốt, chúng ta giảm được lệ thuộc vào nước ngoài và chủ động hơn trong việc vay nợ.


Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: tuyệt đại bộ phận vốn ODA và vốn vay của chúng ta, nợ công tập trung cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc quản lý cũng có hệ thống quy định chặt chẽ. Chúng ta đã có Luật Nợ công và Chính phủ cũng đã chỉ đạo và Bộ Tài chính đã xây dựng chiến lược quản lý và phát triển nợ công đến năm 2020. Bộ Tài chính đã xây dựng xong và đang trình Chính phủ xem xét, thông qua. Bộ Tài chính đang chủ động xây dựng các kế hoạch trung hạn và các đề án hành động cụ thể để thực hiện chiến lược này một khi được phê duyệt. Chính phủ cũng đã chỉ đạo để hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch tăng cường năng lực quản lý nợ.


Hiện nay, tổng phải trả nợ của Chính phủ khoảng 14-16% tổng ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế thì mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách. Bộ trưởng Vương Đình Huệ chỉ ra, chúng tôi nghĩ chúng ta cũng không lạc quan, nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng về nợ công, xin Quốc hội cho giữ tỷ lệ nợ công đã trình theo kế hoạch 5 năm, đối với nợ quốc gia là không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53% và nợ công thì khoảng 60-65%.


Chỉ số sẽ thấp hơn, nếu tính bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế


Về tính bội chi ngân sách, Bộ trưởng Vương Đình Huệ thừa nhận, hiện nay trái phiếu Chính phủ chưa tính trong cân đối bội chi ngân sách và theo thông lệ quốc tế là cần phải tính vào. Tuy nhiên, toàn bộ chi trả nợ gốc hiện nay của Việt Nam, một phần rất lớn trong 100.000 tỷ (của năm 2012) theo thông lệ quốc tế là không tính bội chi nhưng Việt Nam vẫn đưa vào cơ cấu chi và tính bội chi ngân sách. Vì vậy, nếu chúng ta đưa trái phiếu Chính phủ vào và loại trừ chi về trả nợ gốc ra thì bội chi ngân sách của năm 2012 chỉ là 4,1% và bội chi ngân sách của năm 2015 chỉ khoảng 4%.


Vì vậy, tuy Quốc hội hoàn toàn có thể dùng một nghị quyết để điều chỉnh các tính toán bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, với cách tính toán như vậy và với Luật Ngân sách chúng ta đang sửa đổi thì đề nghị hiện nay cho giữ mức bội chi như Chính phủ đã trình với Quốc hội và theo đúng qui định của Luật ngân sách hiện nay. Trong quá trình ấy sẽ rà soát tất cả các khoản theo thông lệ quốc tế, cái nào tính vào và cái nào phải đưa ra để chúng ta có một mức bội chi phù hợp với Việt Nam và đúng thông lệ quốc tế.

Theo Xuân Dũng (QĐNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh