Cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone sẽ là chủ đề chính của cuộc họp các Bộ trưởng tài chính G20 tại Paris vào cuối ngày hôm nay, nhằm tiếp tục các cố gắng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng này.

Trong khi tình trạng nợ nần của Hy Lạp vẫn là chủ đề chính, thì nỗi lo sợ rằng cuộc khủng hoảng này có thể lan rộng sang các quốc gia Eurozone có mức nợ cao như Tây Ban Nha và I-ta-li-a đang đè nặng lên các ngân hàng châu Âu cũng là vấn đề được các Bộ trưởng tài chính G20 thảo luận.


Theo Bộ tài chính Pháp, cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh ưu tiên hàng đầu của Hội nghị cấp cao G20 tới là tìm ra các nhân tố làm ổn định cuộc khủng hoảng nợ Eurozone.


Hai hoặc ba biện pháp dành cho các nước trong tình trạng mất cân bằng tài chính có thể sẽ được thông qua tại cuộc họp lần này.


Phát biểu trước cuộc họp, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Jun Azumi nói, ông sẽ chia sẻ kinh nghiệm thất bại của Nhật Bản trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 1990 do đã hành động quá ít và quá muộn.


Càng làm tăng thêm lo lắng của các nhà hoạch định chính sách, hôm qua, Standard&Poor tiếp tục đánh tụt một bậc xếp hạng nợ dài hạn của Tây Ban Nha từ AA xuống AA- với dự báo phát triển kinh tế tiêu cực. Việc đánh tụt hạng này được thực hiện một tuần sau khi Fitch đánh tụt hạng tín nhiệm của quốc gia này.


Một tuần trước đó, Ficth cũng đánh tụt mức tín nhiệm của hai ngân hàng của Anh là Lloyds và RBS, và ngân hàng UBS của Thuỵ Sĩ.


Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu khả quan khi việc mở rộng quỹ bình ổn tài chính EFSF lên 440 tỷ euro cuối cùng cũng được thành viên thứ 17 trong Eurozone là Slovakia thông qua vào cuối ngày hôm qua. Quyết định này của Slovakia đã dọn đường cho các nhà hoạch định chính sách thêm vững tin sử dụng số tiền 440 tỷ euro để mua trái phiếu chính phủ, tái vốn hoá các ngân hàng và giúp các quốc gia có nguy cơ bị sụp đổ thị trường tài chính.

Theo Thu Trang (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh