Việc thứ cấp chiếm dụng vốn của khách hàng hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích không còn là chuyện hiếm trên thị trường bất động sản. Đặc biệt, trong thời điểm này, khi thị trường đóng băng, giá nhà đất giảm, việc tranh chấp, kiện tung giữa khách hàng, chủ đầu tư, các công ty thứ cấp ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Điển hình, dự án Binh đoàn 12 Đại Mỗ do Công ty Cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ (Công ty Thế Kỷ - thành viên của CEN Group) là đơn vị ký hợp đồng huy động vốn từ các khác hàng. Mặc dù, Công ty Thế kỷ đã thực hiện việc huy động vốn của khách hàng nộp hơn 2 năm qua nhưng đến nay khách hàng dự án Binh Đoàn 12 Đại Mỗ vẫn chưa thể ký được hợp đồng mua bán.
Hàng trăm khách hàng đã góp vốn vào dự án như đang ngồi trên đống lửa khi nhìn hàng tỷ đồng của mình bị ngâm nhiều năm, còn dự án có nguy cơ khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Nhiều khách hàng đã quyết định làm đơn đề nghị công ty Thế Kỷ hoàn trả lại số tiền góp vốn, song điều này không thể giải quyết một sớm một chiều.
Ảnh minh họa
Nhiều khách hàng mua nhà dự án Trung Văn (Từ Liêm, HN) qua công ty thứ cấp đòi giao nhà.
Tiếp theo, vụ việc xảy ra tại dự án Trung Văn – Từ Liêm, Hà Nội (dự án do công ty CP đầu tư và xây dựng HN làm chủ đầu tư). Theo đó, năm 2011, công ty CP Hạ Long (công ty thứ cấp) đã huy động vốn của hàng chục khách hàng mua nhà với số tiền lên đến 90% giá trị hợp đồng. Cho đến cuối năm 2012, dự án hoàn thành, chủ đầu tư bàn giao nhà cho khách hàng nhưng nhóm khách hàng mua nhà qua công ty Hạ Long vẫn “dài cổ” ngồi chờ. Chờ mãi, nhóm khách hàng này tá hỏa đến gặp chủ đầu tư thì được biết công ty Hạ Long mới chỉ nộp cho chủ đầu tư 70% giá trị hợp đồng. Số còn lại vẫn chưa nộp đủ vì vậy khách hàng vẫn chưa thể nhận nhà.
Mới đây nhất, tại dự án chung cư Văn Phú – Victoria (Hà Đông, Hà Nội) cũng xảy ra tình trạng một số công ty thứ cấp sau khi thu tiền từ khách hàng mua nhà nhưng không nộp đủ cho chủ đầu tư. Cho đến khi, chủ đầu tư dự án thông báo đình chỉ hợp đồng kinh doanh với các công ty thứ cấp thì người mua nhà mới “tá hỏa” đi tìm quyền lợi của mình.
Theo nhận định của giới phân tích, những vụ tranh chấp, kiện tụng này là hệ lụy của thị trường bất động sản thời tranh mua tranh bán. Người mua nhà, nhà đầu tư có thể đem nhiều tỷ đồng giao cho các công ty thứ cấp, chủ đầu tư mà không hề kiểm soát được số tiền mình đã nộp được sử dụng vào mục đích gì. Nếu chủ đầu tư công khai thông tin cho khách hàng được biết và có cơ chế giám sát chặt chẽ thì sẽ không xảy ra tình trạng này.
Giới luật sư thì cho rằng, trong trường hợp các công ty phân phối thứ cấp cố ý sử dụng vốn góp của khách hàng không đúng mục đích thì thông thường, trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và các công ty thứ cấp đều quy định rất rõ các điều khoản phạt vi phạm hợp đồng. Đơn cử, nếu chậm nộp tiền, công ty thứ cấp sẽ bị phạt tính lãi suất. Nếu quá thời hạn yêu cầu mà công ty thứ cấp không nộp đủ tiền, lãi suất chậm nộp, chủ đầu tư có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trường hợp công ty thứ cấp mất khả năng chi trả, số tiền thu được của khách hàng đã đem đi đầu tư thua lỗ, không còn khả năng thanh toán cho chủ đầu tư, chủ đầu tư hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng và các căn hộ trong hợp đồng bị thanh lý hoặc thu hồi. Trong trường hợp này, khách hàng hoàn toàn có thể nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.