27/01/2013 8:19 PM
Gần 700 doanh nghiệp bất động sản giải thể, Hà Nội cần 45 tỷ đôla để hoàn thiện các dự án, đề xuất về việc thành lập công ty 50.000 tỷ đồng để cứu địa ốc... là những con số ấn tượng trong tuần.

Theo số liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2012 có 680 doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đăng ký giải thể, ngừng hoạt động. Con số này tăng 19,9% so với 576 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2011.

Số liệu của cơ quan này cũng cho thấy tính đến ngày 15/12/2012 đã có gần 390 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bất động sản được cấp phép với tổng đầu tư 49,8 tỷ đôla, trong đó đã có 85 dự án giải thể và 5 dự án hết hạn với tổng đầu tư 5 tỷ đôla. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 23,32% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

TP HCM tập trung nhiều dự án bất động sản có vốn FDI nhiều nhất với 12,4 tỷ đôla, tiếp đến là Hà Nội, Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương.... Đối tác nước ngoài lớn nhất là Singapore với 55 dự án, tổng mức đầu tư 8,6 tỷ đôla.


Gần 700 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản giải thể, ngừng kinh doanh trong năm 2012. Ảnh: Vũ Lê

Cần 45 tỷ đôla để hoàn thiện các dự án địa ốc tại Hà Nội

Tuần này, Bộ Xây dựng cũng cho biết một con số bất ngờ. Theo cơ quan này tại Hà Nội, để hoàn thành toàn bộ các dự án đã giao chủ đầu tư và cung cấp thêm 520.000 căn nhà, gồm chung cư, thấp tầng, thành phố cần khoảng 904.000 tỷ đồng (tương đương 45 tỷ đôla).

"Lãi suất cho vay mua nhà chỉ khoảng 6%"

Tại phiên họp giải trình của Ủy ban kinh tế Quốc hội về giải cứu thị trường bất động sản trong tuần này, người đứng đầu Bộ Xây dựng thừa nhận với giá 1 tỷ đồng mỗi căn, người mua nhà sẽ khó tiếp cận với nhà xã hội.

"Chúng tôi mong muốn giá nhà xã hội rộng khoảng 50 m2 chỉ độ 500 triệu đồng đổ lại thôi", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng cùng với các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như cho vay lãi suất thấp khoảng 3-6% mỗi năm. Ngân hàng Nhà nước phải có gói tái cấp vốn, các địa phương có điều kiện về ngân sách phải hỗ trợ vốn vay thì người nghèo sẽ có nhà.

Bàn về lãi suất cho vay mua nhà, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, chỉ nên dao động quanh 6%-6,5% một năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động hiện nay ở mức 8%. Do đó, để ngân hàng có thể cho vay ở mức này, một loạt lãi suất khác cũng phải giảm theo. Vị này kiến nghị giảm mức lãi suất tái cấp vốn còn 4-5%. Như vậy, khi cho vay ra khoảng 6% thì ngân hàng đã lỗ 1-2%, nếu tính các chi phí hoạt động.

"Công ty 50.000 tỷ có thể cứu bất động sản"

Tuần này, BIDV cũng đưa ra đề xuất thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia dưới hình thức công ty tài chính TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc nắm chi phối trên 75% vốn điều lệ. Công ty sẽ hoạt động theo 2 hình thức là tái cho vay thế chấp và mua lại các khoản nợ cho vay nhà ở thu nhập thấp từ các ngân hàng.

Theo ông Trần Lục Lang - Phó tổng giám đốc BIDV - trong 5 năm đầu, để có nguồn vốn tài trợ cho thị trường nhà ở thu nhập thấp, công ty sẽ huy động thêm khoảng 50.000 tỷ đồng vốn trung và dài hạn từ các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc huy động số tiền này từ các nguồn vốn trên có thể gây sức ép lớn lên ngân sách và nợ công.

Ngọc Tuyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.