Thông thường, khi quảng cáo những ưu việt của dự án nhà ở thương mại, chủ đầu tư luôn nhắc tới yếu tố hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện của khu vực liên quan. Kèm theo đó, là tiện ích xã hội hoàn hảo như “điện - đường - trường - trạm”.
Cụ thể: vị trí dự án thuận lợi di chuyển đến các cơ sở giáo dục công lập, cơ quan hành chính, bệnh viện, trung tâm vui chơi mua sắm… cộng thêm một vài chi tiết “hào nhoáng” về thương hiệu, năng lực chủ đầu tư lẫn ngân hàng sau lưng hỗ trợ, đã đủ thuyết phục những khách hàng khó tính nhất.
Thế nhưng, chỉ sau khi dọn về an cư ở quần thể mới, việc khó khăn di chuyển trong giờ cao điểm đã xuất hiện tại hầu hết các khu chung cư.
Tiện ích đi kèm… bực bội
Điển hình rõ nhất, là khu vực quận Thanh Xuân tiệm cận quận Cầu Giấy với điểm tập trung Trung Hòa - Nhân Chính làm lõi. KĐT Trung Hòa - Nhân Chính của những năm 2007 - 2011 rộng rãi, xe máy ôtô dù đầu giờ sáng hay lúc tan tầm chiều cũng thoải mái lưu thông để người dân trở về tổ ấm trong từng block nhà.
Còn hiện tại, “thừa hưởng” hạ tầng được quy hoạch tốt của KĐT này, những dự án mới toanh như Hapulico Complex, Sakura Tower (47 Vũ Trọng Phụng), 57 Vũ Trọng Phụng, Hei Tower (Ngụy Như Kon Tum), Star City Lê Văn Lương, Diamond Flower, HomeCity Trung Kính… đã và đang ngập trong cảnh tắc đường ngay khi rời tòa nhà dự án.
Nguyên nhân, đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Chính Kinh, Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Lương, Nguyễn Thị Định vốn là huyết mạch giao thông dẫn ra các trục đường lớn như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Láng.
Đây cũng là các giải pháp “đi tắt” cho người tham gia giao thông (gồm cả người đi làm lẫn học sinh, sinh viên của rất nhiều trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học đặt trụ sở ở mặt đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám) khi phải đối diện với đoàn xe cộ ùn ứ lúc cao điểm.
Đó là chưa kể những cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp cũng nằm xen kẽ trong các đoạn phố nhỏ (UBND quận Thanh Xuân, Công an quận Thanh Xuân, Công an phường Thanh Xuân Trung, Bệnh viện Bộ Xây dựng…).
Nạn ùn ứ phương tiện lưu thông đã gây bức xúc cho rất nhiều người
Vậy nên, tiện ích xã hội vừa là điểm cộng, vừa là điểm trừ gián tiếp cho cuộc sống chung cư cao tầng, nếu nhìn theo hệ quy chiếu giao thông tĩnh.
Di chuyển tới đoạn Trần Phú (quận Hà Đông) kết nối với khu Mỗ Lao, Xa La, Văn Khê, Viện 103 kéo xuống ngã ba Ba La - Vân Đình, nạn tắc đường rất hiếm xảy đến.
Đây chính là điều cư dân ở Hồ Gươm Plaza, KĐT Xa La, chung cư 89 Phùng Hưng, New Skyline Văn Quán, tổ hợp chung cư Viện Bỏng “thích” nhất.
Ít cơ sở đào tạo, các trục đường giao thông lớn vừa hoàn thiện hạ tầng, nhiều dự án còn hẹn tiến độ hoàn thành - kéo theo hạn chế về trung tâm y tế, điểm vui chơi, giải trí, vị trí lại… xa trung tâm Bờ Hồ (so với khu vực nêu trên), điểm hạn chế về địa lý lẫn tiện ích xã hội “hóa ra” lại hay, vì chẳng lo tắc đường.
Hạ tầng “bóp nghẹt” an sinh
Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông trong suốt năm 2014 đã trở thành đề tài xuyên suốt của giới báo chí lẫn cơ quan điều hành chỉ đạo. Từ công tác đền bù, GPMB tới đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn thi công, quận Đống Đa, quận Thanh Xuân chưa lúc nào hết “bận rộn” với phần dự án đi quan địa bàn quản lý. Đường Nguyễn Trãi, Hào Nam, Thái Thịnh II vì thế cũng bị ảnh hưởng lưu thông do quá trình thi công các hạng mục đường sắt trên cao.
Khi Ngã tư Sở được quy hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng cây cầu vượt lẫn hầm bộ hành, nút thắt giao thông mệnh danh “ngã tư khổ” xưa kia đã được xử lý hiệu quả. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Royal City đi vào hoạt động từ giữa 2013 đang gián tiếp tái hiện cảnh khổ tắc đường ngay đầu đường Nguyễn Trãi.
Đây không phải “lỗi” của chủ đầu tư, cũng chẳng thể “truy” trách nhiệm cơ quan phê duyệt dự án chưa lường được áp lực từ quần thể dân cư mới lên hạ tầng giao thông. Chỉ có điều, cư dân của Royal City, những người sinh sống trong khu vực quận Thanh Xuân và một phần ở Định Công (quận Hoàng Mai) phải loại trừ khoảng thời gian tắc đường nếu trót di chuyển qua Thành phố Hoàng Gia vào giờ cao điểm hoặc dịp nghỉ cuối tuần, lễ Tết…
Ra khỏi Royal City đi tới khu vực chợ Thượng Đình dù vẫn tắc, nhưng vẫn “tốt chán” nếu so với cảnh cư dân rời Hồ Gươm Plaza để di chuyển tới quận Đống Đa.
Thi công gây thương vong cho người tham gia giao thông, xảy ra liên tiếp ngay gần vị trí của dự án. Nhà thầu, TVGS đã bị nêu danh và truy cứu trách nhiệm. Nhưng tai nạn “từ trên trời rơi xuống” đang gây tâm lý sợ hãi cho bất cứ ai đi lại dưới hàng tấn xi măng sắt thép công trình.
Đường Nguyễn Trãi bỗng trở nên chật hẹp vì người tham gia giao thông “tự giác” tránh phần tim đường (đang thi công đường sắt). “Đi xe máy từ Hồ Gươm Plaza để tới chỗ làm việc ở Hồ Đắc Di thường chỉ mất chưa tới 30 phút. Nhưng từ khi có tai nạn chết người do đường sắt trên cao, ai cũng sợ và đi nép về phía bên phải sát vỉa hè nên phát sinh tắc nghẽn ở nhiều điểm như đầu đường Chiến Thắng, hay bùng binh Nguyễn Xiển… Đúng là đường sắt đè đường bộ. Xếp hàng chờ nhau ra khỏi chung cư đã mệt, nay nối đuôi nhau như rùa bò vì tắc đường càng khổ hơn. “Hà Nội thật chẳng thể vội được”, anh Minh, cư dân của Hồ Gươm Plaza cười buồn.