CafeLand – Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng, nhất là về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng. Trong đó, các nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào bất động sản công nghiệp Việt Nam thông qua việc M&A các dự án. 

Dòng vốn Trung Quốc vượt Nhật, Hàn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20/10 đạt 23,4 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1%; vốn tăng thêm đạt trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, dòng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc nằm trong tốp cao, chỉ đứng sau các nhà đầu tư đến từ Singapore, vượt lên trên các nhà đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong 10 tháng qua, Trung Quốc có 294 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là hơn 1,34 tỷ USD; 108 dự án đang hoạt động tăng thêm vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm hơn 474 triệu USD, cùng 761 lượt dự án góp vốn mua cổ phần với hơn 353 triệu USD.

Bên cạnh đó, vốn của các nhà đầu tư Hong Kong cấp mới ở Việt Nam 10 tháng qua đạt 900 triệu USD vào 179 dự án; vốn góp mua cổ phần là hơn 184 triệu USD, cho hơn 107 dự án. Vốn của các nhà đầu tư Đài Loan là 934 triệu USD cho 102 dự án mới, vốn góp mua cổ phần là 293 triệu USD cho hơn 390 dự án góp mua cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa...

Như vậy, nguồn vốn đầu tư Trung Quốc cam kết vào Việt Nam đạt hơn 2,16 tỷ USD. Tính lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đến nay đạt hơn 18,1 tỷ USD, với 3.087 dự án đầu tư, trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam.

Tính chung cả nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong vào Việt Nam đạt trên 76,4 tỷ USD, vượt qua tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ trước tới nay của Hàn Quốc (70,4 tỷ USD), Nhật Bản (gần 60 tỷ USD) và Singapore (55,7 tỷ USD).

Được biết, Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất điện-khí nước-điều hòa. FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước.

Nhà đầu tư Trung Quốc "đổ bộ" vào bất động sản công nghiệp

Trong báo cáo Sách trắng bất động sản công nghiệp Việt Nam do Savills công bố mới đây, số lượng nhà đầu tư gốc Hoa đang có mặt tại hầu hết các vùng công nghiệp từ Bắc đến Nam.

Cụ thể, trong 20 giao dịch nổi bật 9 tháng qua, có 8 dự án của các nhà đầu tư Hong Kong, chiếm tỷ lệ 40% với tổng vốn đầu tư gần 700 triệu USD. 8 dự án tại khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh), Văn Trung (Bắc Giang), An Dương (Hải Phòng), Phước Đông (Tây Ninh), Bầu Xeo (Đồng Nai), Mỹ Phước 3 (Bình Dương) và Mộc Bài (Tây Ninh).

4 dự án do nhà đầu tư Trung Quốc, chiếm tỷ lệ 20%, với tổng giá trị 300 triệu USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tập trung ở các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu). 3 giao dịch của nhà đầu tư Đài Loan tập trung tại hai khu công nghiệp phía Bắc là Đồng Văn 3 (Hà Nam) và Đông Mai (Quảng Ninh) với giá trị hơn 380 triệu USD.

Còn nhiều lo ngại

Mặc dù sự gia tăng dòng vốn của Trung Quốc vào Việt Nam là tín hiệu tích cực, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc nhà đầu tư Trung Quốc mua lại doanh nghiệp, dự án đặc biệt dự án bất động sản tại Việt Nam tạo nhiều rủi ro.

Trên thực tế đã có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, thu mua đất đai tại các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh,… Thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Xây dựng đã cảnh báo tình trạng người Trung Quốc mượn tay người Việt một số nơi để giao dịch đất đai như tại Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc,…

Các chuyên gia cũng lo ngại các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bị “thâu tóm” mà nó còn ảnh hưởng đến cả ngành, lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung căng thẳng, hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ khó khăn, nhiều khả năng Trung Quốc không rót vốn mở rộng đầu tư sản xuất mà chỉ chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển nhằm “né” thuế khi xuất qua Mỹ.

Điều này không chỉ đẩy các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đến chỗ khó khăn hay phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt Nam bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu trong đó có Mỹ và các nước châu Âu,...

Do đó, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, nâng cao tiêu chuẩn, bổ sung các quy định, điều kiện chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát dự án, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, cam kết, loại bỏ dự án kém chất lượng,…

  • “Đại bàng” mang hơn 1,5 tỉ USD đến Việt Nam

    “Đại bàng” mang hơn 1,5 tỉ USD đến Việt Nam

    CafeLand - Mặc dù thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng dòng vốn của các nhà đầu tư vẫn rót vào phân khúc bất động sản công nghiệp. Chỉ tính 20 giao dịch nổi bật trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư đã rót hơn 1,5 tỉ USD vào bất động sản công nghiệp.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.