Bên cạnh những vụ bê bối liên quan đến việc sai phạm trong "chi tiêu" gây thất thoát, lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, những "ông lớn" nhà nước còn "ôm" hàng trăn nghìn m2 đất rồi bỏ hoang nhiều năm nay.

La liệt đất hoang dọc đường Lê Văn Lương kéo dài.

Thời gian qua, dư luận liên tiếp chứng kiến những vụ sai phạm bê bối của nhiều “ông lớn” là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước, thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.

Ngoài những sai phạm trong “chi tiêu” ngân sách đã được vạch rõ như vụ Vinashin, Vinalines… còn tồn tại hàng loạt các sai phạm ở nhiều lĩnh vực khác.

Trong đó có việc “ôm” hàng trăm ngàn m2 đất rồi bỏ hoang ngay giữa thủ đô nói riêng và trên địa bàn toàn quốc nói chung.

Với tốc độ đô thị hóa cao, các khu vực tập trung đông dân cư của Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm hiện vẫn còn đang rất thiếu các công trình phục vụ dân sinh như: trường học, chợ, bãi gửi xe, bệnh viện hay trạm y tế.

Mặc dù, trong một thời gian dài, vấn đề nhức nhối này đã được phơi bày tràn lan trên các mặt báo nhưng dường như sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng đang vô tình “tiếp tay” cho những doanh nghiệp nhà nước tiếp tục trây ỳ gây nên tình trạng lãng phí đất chưa từng có như hiện nay

Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, hiện thành phố có khoảng trên 8 triệu m2 đất đang bị bỏ hoang hoặc trong diện cần phải thu hồi. Trong đó chiếm phần lớn là các dự án của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc được giao đất chỉ định đầu tư hoặc do thành công trong việc đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Chỉ cần nhìn lướt qua trong báo cáo của Sở này trình UBND TP. Hà Nội vừa qua để xem xét xử lý những sai phạm về đất đai; ai cũng phải giật mình trước những con số thống kê về diện tích đất bỏ hoang mà các đơn vị “con cưng” của Nhà nước đang nắm giữ.

Về phía các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, “quán quân” ôm đất bỏ hoang chính là Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội với diện tích lên đến hơn 185.000 m2. Diện tích này bao gồm các khu đất để bố trí trụ sở các tổng công ty tại KĐT mới Cầu Giấy và KĐT mới Nam Trung Yên.

Vị trí “á quân” đã thuộc về Tổng công ty Sông Đà với diện tích hơn 81.000 m2 các ô đất thuộc KĐT mới Mỹ Đình – Mễ Trì, Từ Liêm.

Tiếp đó là Vinaconex với diện tích hơn 50.000m2 của ô đất ký hiệu HH thuộc KĐT Đông Nam, Trần Duy Hưng.
Đặc biệt, trong số các vụ ôm đất bỏ hoang còn có cả sự xuất hiện của những “đại gia” khối ngân hàng nhà nước, tiêu biểu trong đó là Vietcombank.

Khu đất rộng hơn 5.000 m2 nằm cuối đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy), ngay cạnh siêu thị Big C, hơn 5 năm qua vẫn để hoang “nuôi” cỏ mọc.

Ngoài ra, còn hàng loạt mảnh đất với vị trí đẹp thuộc sở hữu của các đơn vị khác như: Tổng công ty HUD tại KĐT Mỹ Đình II; Công ty CP Tu tạo và phát triển nhà tại KĐT Mễ Trì Hạ. Hàng loạt ô đất dọc tuyến đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân của Công ty Đầu tư xây dựng số 2….

Về phía các đơn vị hành chính nhà nước, đáng chú ý nhất là khu đất có diện tích hơn 70.000m2 tại xã Mễ Trì do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Từ Liêm quản lý. UBND TP. Hà Nội đã chi tới hơn 100 tỉ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng năm 2008.

Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, dự án vẫn chẳng thấy đâu mà nhường chỗ lại cho các quán trà đá vỉa hè, quán ăn, bãi rửa xe ô tô… với giá cho thuê lên tới vài nghìn USD/tháng.


Tiếp đó là ô đất ký hiệu D2 tại KĐT Cầu Giấy do BQL dự án quận Cầu Giấy quản lý cũng đang ở trong tình trạng tương tự.

Theo đại diện ban Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, còn rất nhiều các “nghi vấn” về sai phạm đất đai của các đơn vị tuy nhiên sẽ phải tiến hành thanh tra và khảo sát gắt gao hơn trong thời gian tới.

Điều đáng chú ý là, các khu đất bỏ hoang này đều đã “khá nhiều tuổi”, đa phần được thành phố cấp phép vào năm 2004 hoặc đấu giá QSDĐ thành công vào các năm sau đó là 2006 và 2008.

Như vậy, nhiều dự án đã bị “lãng quên” khi đã sắp bước sang tuổi thứ 10 và nhiều khả năng sẽ còn bị bỏ quên thêm vài tuổi nữa. Cùng với đó là hàng trăm nghìn 2 đất vàng bị bỏ hoang hóa ngay giữa thủ đô gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Trong khi đó, đáng buồn hơn là việc hàng triệu người đang phải chui rúc trong các khu “ổ chuột” là các căn hộ tập thể cũ kỹ, xuống cấp hoặc trong các căn nhà trọ với tiện ích tạm bợ thậm chí khó khăn trăm bề vì thiếu các dịch vụ phục vụ dân sinh.

Không những thế, không ít “ông lớn” trong danh sách kể trên, không chỉ bỏ hoang đất còn chây ì các nghĩa vụ về thuế đất với thành phố Hà Nội.

Báo cáo mới đây nhất của Cục Thuế Hà Nội cho thấy, hiện có 2 khoản nợ đọng thuế lớn làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách của thành phố là thuế phí và các khoản liên quan đến đất đai; thuế nợ đọng của doanh nghiệp.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã thu hồi 6.294 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế. Trong đó, riêng số thu nợ thuế, phí liên quan đến đất đai là 1.049 tỷ đồng.

Đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 11, vẫn còn 75 doanh nghiệp nợ đọng hơn 1.902,3 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, số nợ hết thời gian gia hạn nhưng doanh nghiệp chưa nộp là gần 13 tỷ đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp nợ đọng thuế, có 52 doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất, trong đó, một số đơn vị nợ đọng hàng trăm tỷ đồng.

Mở rộng địa bàn ra ngoài Hà Nội, chắc hẳn những ai được xem số liệu từ Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính sẽ thấy “thú vị” hơn nhiều về con số diên tích đất mà những “con cưng” của nhà nước đang sở hữu.

Cụ thể, diện tích đất mà khối cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đang quản lý và sử dụng lên tới khoảng 1,5 tỉ m2. Trong đó, riêng khu vực ĐVSNCL đã sở hữu tới 1,2 tỉ m2 đất

Đối với các ĐVSNCL, họ vẫn được sử dụng đất dưới hình thức giao đất và không thu tiền sử dụng đất hay nói cách khác là được “bao cấp” về đất đai.

Nhưng kết quả rà soát đất bỏ hoang cuối năm 2012 lại cho thấy: có tới gần 1/3 dự án có dấu hiệu sai phạm trong tổng số các dự án được giao đất.

Cho nên, ngay cả thời điểm hiện tại, đi về phía nào của Hà Nội chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các khu đất bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu từ nhiều năm nay.

Với “tham vọng” phát triển các tập đoàn, tổng công ty đa ngành, đa lĩnh vực để làm đầu tàu kinh tế, nên nhiều “ông lớn” nhà nước đã mở rộng đầu tư vào bất động sản.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, do chênh lệch về địa tô cao, nên việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ồ ạt đầu tư vào bất động sản những năm qua cũng được coi là “lẽ đương nhiên” hay việc “nên làm”.

Tuy nhiên, kết quả thì đã thấy rõ, việc đầu tư tràn lan đã khiến cho những “ông lớn” này sao nhãng nhiệm vụ chính, gây nên các vụ bê bối, sai phạm, thất thoát, lãng phí…

Thậm chí các đại gia này đã mang lại cho Nhà nước cả “cục nợ” khổng lồ. Bằng chứng là, trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng chính phủ với các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào đầu năm 2013, những tưởng người đứng đầu Chính phủ sẽ nhận được những tin báo hân hoan về kết quả tích cực.

Ai ngờ, các “ông lớn” này đã làm sửng sốt dư luận khi báo cáo với Thủ tướng rằng: Tổng số nợ hiện phải trả là hơn 1,3 triệu tỉ đồng tương đương với khoảng 65 tỉ USD và bằng gần 50% tổng thu nhập quốc dân trong năm 2012.

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra về tình trạng hàng triệu m2 đất đang bị bỏ hoang như hiện nay.

Qua báo cáo tổng kết, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng thừa nhận: Công tác thanh kiểm tra vẫn còn chưa chủ rộng, tình trạng vi phạm về quản lý đất đai còn cao, việc lập hồ sơ thu hồi đất vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, tình trạng trên do chính cơ chế không “minh bạch” ngay từ khi cấp dự án, thu hút đầu tư, chồng chéo trong công tác quản lý, tình trạng “đi đêm” bằng nhiều cách của các “ông lớn” để có được dự án đắc địa…

Những nguyên nhân này đã gây “khó” cho các hoạt động thanh tra kiểm tra và xử lý sai phạm.

Vĩnh Trà (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.