09/04/2013 9:53 PM
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển: Trong những nguyên nhân chậm trễ, có tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ

Bức xúc từ người dân

Trong khi rất nhiều người dân, nhất là ở Hà Nội và TP HCM mong ngóng, chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay còn gọi là “sổ đỏ”, thì tiến độ thực hiện công việc này hiện vẫn đang rất chậm. Nếu như không có những giải pháp tích cực, hiệu quả, thì mục tiêu đến hết năm nay cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Nghị quyết 30 của Quốc hội khó có thể hoàn thành.

Tâm lý người dân đều muốn có GCN quyền sử dụng đất

Cuối năm 2010, khi họp Tổ dân phố thông báo về việc làm Hồ sơ sổ đỏ, bà Nguyễn Thị Dung cùng nhiều hộ gia đình khác ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội rất vui mừng. Nghĩ là chẳng bao lâu nữa sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau quãng thời gian hơn 20 năm sinh sống ổn định ở đây, nhưng thực tế là đến nay, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn “bặt vô âm tín”. Theo yêu cầu của phường, bà đã bổ sung đầy đủ Hồ sơ đất, giấy tờ kê khai rồi nộp tiền thuế đất… Song vấn đề là ở chỗ, những người như bà Dung không hiểu hồ sơ của mình đang “tắc” ở khâu nào.

“Tất cả khu này đều nộp mấy năm nay rồi, làm đại trà chứ có phải cho mỗi mình đâu. Họ đến đo, giấy tờ rồi bao nhiều lần khai, bao nhiêu lần nhận thực, có phải đơn giản đâu. Bao nhiêu lần khai rồi bao nhiêu kiểu giấy tờ, đủ hết rồi nhưng chẳng thấy ở phường làm chứ mình có thiếu gì đâu, còn gia đình chính sách là khác. Nộp lâu rồi, mấy năm nay rồi” - Bà Dung bức xúc cho biết.

Khó khăn do thủ tục hành chính hay cán bộ gây phiền hà

Trường hợp như gia đình bà Dung không phải là ít ở Hà Nội. Chính vì vậy trong một khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, gần 90% người được hỏi không hài lòng với thái độ giải quyết công việc của Sở Tài nguyên Môi trường. Hiện Hà Nội còn 168.000 thửa đất và khoảng 500.000 căn hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Công việc này còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, do thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận nhiều nơi còn phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài. Về phía chính quyền, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra.

Ông Bùi Thanh Hải, cán bộ địa chính phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: theo chỉ tiêu của quận, trong năm nay phường phải hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 180 hồ sơ, trong khi tổng số hồ sơ còn đang “nằm chờ” cấp giấy lên đến hơn 800. Cả năm 2012, phường cũng chỉ hoàn thành việc cấp loại giấy này cho hơn 100 hộ.

Theo ông Hải, cái khó nhất trong việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu là nhiều trường hợp người dân lấn chiếm đất, xảy ra tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai. Nhiều người mua nhà ở để bán kiếm lời nên chưa muốn làm thủ tục để tránh nộp thuế và lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, đa số người dân chưa nhận thức đầy đủ về việc mua bán, làm các thủ tục liên quan đến đất đai của mình.

Ông Bùi Thanh Hải nói: “Hiện nay có một số trường hợp mua bán sau ngày 1/7/2004 vi phạm vào Nghị định của Chính phủ, sau thời điểm quy định, vi phạm vào Luật Đất đai, trường hợp đấy hiện chúng ta chưa đủ điều kiện cấp giấy, cũng mong thành phố có cơ chế, chế tài. Ví dụ như chúng ta xử phạt họ mua bán sau 1/7/2004 mà vi phạm và họ không tranh chấp khiếu kiện, phù hợp với quy hoạch đất ở thì cũng cấp cho họ. Bây giờ cũng rất khó vì họ mua bán giấy tờ viết tay. Còn những trường hợp nguồn gốc hợp lệ chúng ta phải thực hiện theo văn bản hướng dẫn”.

Có nhà ở nhưng chưa có sổ đỏ là tình trạng chung của rất nhiều gia đình, nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Trong khi, theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, đến ngày 31/12 năm nay phải cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, tức là phải đạt được trên 85% diện tích đất được cấp giấy chứng nhận. Để đạt mục tiêu này, tổng khối lượng cần cấp khoảng 4,3 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích hơn 2 triệu ha. Trước thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu như miễn phí trước bạ cho các cá nhân sử dụng đất ở trong năm 2013 và giảm mức thu xuống còn 0,2% trong năm 2014 để khuyến khích người dân thực hiện đăng ký đất đai; tăng cường rà soát thống kê tồn đọng và vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa phương...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: trong những nguyên nhân của sự chậm trễ, có tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, giải pháp quan trọng là cần tăng cường thanh, kiểm tra các cán bộ thực thi công vụ: Cũng có trường hợp một số công chức chưa xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm này, coi việc này như việc giải quyết bình thường. Phải xác định đây là việc cấp đồng loạt cho dân nên phải xử lý theo cách khác kể cả từ tiếp nhận đến khâu xử lý, giải quyết. Thứ 2 là tăng cường thanh tra công vụ trên cơ sở đó phát hiện trường hợp nào lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhũng nhiễu, gây khó khăn. Từ đó tạo môi trường tốt cho việc cấp giấy chứng nhận giúp chúng ta đảm bảo thời gian để chúng ta đảm bảo thời gian hoàn thành

Mặt khác, các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân thực hiện nghiêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; trong đó có trách nhiệm đăng ký quyền sử dụng đất đối với các cơ quan Nhà nước. Nếu chính quyền địa phương không thực sự vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp, đẩy nhanh tiến độ, thì đến cuối năm nay sẽ khó có thể hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân./.

Huyền Châm (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.