04/02/2015 7:54 AM
Hầu hết các khu đô thị ở Hà Nội hiện nay không có nơi xử lý nước thải (trong khi quy định phải có) khiến những nơi này rơi vào tình trạng bên trong hào nhoáng, bên ngoài bốc mùi hôi thối.
Khu đô thị Ciputra hào nhoáng từng bị xử phạt vì xả nước thải ra môi trường không qua xử lý. Ảnh: Như Ý
Khu đô thị Ciputra hào nhoáng từng bị xử phạt vì xả nước thải ra môi trường không qua xử lý. Ảnh: Như Ý

1.001 lý do trì hoãn

Khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ) do Tập đoàn Đầu tư Phát triển Bất động sản Ciputra (Indonesia) liên doanh với Tổng Cty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Đây được xem là khu đô thị kiểu mẫu xuất hiện sớm tại Hà Nội cùng nhiều khu đô thị khác như: Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân), Linh Đàm (Hoàng Mai)… nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nơi xử lý nước thải (mặc dù trong quy hoạch được phê duyệt có). Theo Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội), toàn bộ nước thải khu đô thị đều xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.

"Phòng Cảnh sát Môi trường từng kiểm tra và xử phạt các khu đô thị xả thẳng nước thải ra môi trường, như: Khu đô thị Mỹ Đình-Mễ Trì của Sudico, Khu đô thị Văn Khê của Cty cổ phần Sông Đà Thăng Long, Khu đô thị Yên Hòa của Contrexim... Tuy nhiên, mức phạt cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng.

Đại úy Lê Quang Minh, Phòng Cảnh sát Môi trường CA TP Hà Nội"

Năm 2012, cư dân khu đô thị này từng “chịu trận” khi nước thải từ các đường ống thoát nhà vệ sinh trào ngược vào nhà khiến toàn bộ sa lông, sàn gỗ bị ngâm trong nước bẩn. Chị Nguyễn Hằng, cư dân sinh sống trong Ciputra bức xúc: “Chúng tôi mua nhà với giá cao, đóng gần 10 triệu đồng phí dịch vụ/quý, nhưng chủ đầu tư không xây nơi xử lý nước thải cho các tòa nhà là điều không chấp nhận được. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân sống xung quanh khu đô thị”.

Đại úy Lê Quang Minh, cán bộ Đội 2 Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội) cho biết, chủ đầu tư Ciputra tìm đủ mọi cách hoãn làm khu xử lý nước thải như thiết kế rồi đổ lỗi cho việc khó khăn giải phóng mặt bằng. “Đây là cách lách rất khôn của chủ đầu tư bởi việc giải phóng khu nghĩa trang làng (theo thiết kế là nơi xử lý nước thải-PV) không đơn giản. Chúng tôi chỉ có thể phạt chủ đầu tư Ciputra vì xả thải ra môi trường, nhưng không thể buộc họ phải xây khu xử lý nước thải ngay. Phạt đi phạt lại nhiều năm, tình trạng xả thải vẫn diễn ra thường xuyên”, đại úy Minh nói.

Theo ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Hà Nội hiện có trên 150 khu đô thị mới, hàng nghìn chung cư cao tầng nhưng có rất nhiều khu đô thị không có trạm xử lý nước thải hoặc không xử lý qua hệ thống bể tự hoại mà xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Nguyên nhân là, chủ đầu tư không chịu “bỏ tiền túi” để đầu tư một công trình không đem lại lợi nhuận. Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài xử phạt để buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết trong quy hoạch đã được duyệt.

Một lãnh đạo Cty cổ phần Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) cũng thừa nhận, khu đô thị mới xây dựng xong phần thô khu xử lý nước thải và chưa đưa vào hoạt động do chi phí máy móc, công nghệ tốn kém.

Theo một lãnh đạo phòng Quản lý Quy hoạch và Khai thác Tài nguyên nước – Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên & Môi trường), mức phạt hiện tại (tối đa 2 tỷ đồng với doanh nghiệp, 1 tỷ với cá nhân) theo Nghị định 117 của Chính phủ vẫn chưa đủ sức răn đe. Xử phạt vi phạm môi trường rất khó vì cần bắt quả tang. Trong khi đó, hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước còn hạn chế, cả về trang thiết bị và nhân lực, nên số vụ việc bị phát hiện và xử lý không nhiều.

Gây ô nhiễm nước ngầm

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường (thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) phân tích: Bên cạnh các khu công nghiệp và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, tại các khu đô thị lớn, tình trạng này cũng ở mức báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn...

“Việc các khu đô thị mọc lên phải có nơi xử lý nước thải là điều đương nhiên, bởi trong khu đô thị có hàng nghìn cư dân sinh sống. Khi bán nhà, chủ đầu tư cũng cộng vào giá bán kinh phí xây nơi xử lý nước thải. Nước thải đô thị có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe con người nhưng tích lũy, ngấm dần sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề. Đáng sợ nhất, nếu nguồn nước khu đô thị xả thẳng ra môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm”, ông Nhuệ nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho rằng, tình trạng ô nhiễm và suy thoái nước ngầm đang phổ biến ở các khu đô thị, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống của con người, trong khi 35 – 40% lượng nước sinh hoạt của người dân Hà Nội từ nguồn nước ngầm. “Khắc phục ô nhiễm tốn gấp ba lần xây nhà máy xử lý nước thải. Xử lý ô nhiễm nước ngầm khó hơn xử lý nước bề mặt, đòi hỏi thời gian lâu dài”, ông Hòe nói.

Câu chuyện những khu đô thị xả thẳng nước thải từng được đề cập bằng loạt bài phản ánh cách đây không lâu. Tuy nhiên, cho tới nay, tình trạng này hầu như không có gì thay đổi.

Ngọc Mai (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.