Hàng nghìn người dân tại TP. Nam Định đang phải sống trong những chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của họ. Mỗi khi có bão về, người dân ở đây lại nơm nớp lo sợ…

Khu chung cư 5 tầng đường Trần Đăng Ninh (TP.Nam Định)

Đi vệ sinh phải đội mũ

“Chú đã bao giờ đi vệ sinh mà phải đội mũ chưa?”- bà Nguyễn Thị Nga (sống tại tầng 4 của ngôi nhà 5 tầng đường Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định) vừa dẫn tôi vào thăm phòng, vừa hỏi. Hộ của bà Nga phải dùng chung nhà vệ sinh với một hộ khác. Chưa vào khu vệ sinh, nhưng mùi hôi đã bốc ra rất khó chịu, tường phòng vệ sinh đều đã bị bong tróc, trần thấm, dột, chính vì vậy mà nhiều lúc đi vệ sinh phải đội mũ. “Có khi nước ngấm nhiều quá, mũ cũng chẳng ăn thua, vậy là có nhà phải sử dụng…bô”- bà Nga lắc đầu ngán ngẩm nói.

Căn phòng bà Nga có diện tích 30m2 do mua lại của người khác đã được 17 năm nay. Trong phòng ở, mọi thứ cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, đến nỗi, chỉ cần trẻ con động tay vào cửa sổ là cả mảng tường rơi lả tả. Nhiều chỗ còn có vết nứt chạy dọc tường.

Nhìn bên ngoài, ngôi nhà 5 tầng này chẳng khác nào nhà hoang, bởi tường bị bong tróc, lòi cả gạch, cây dại mọc khắp nơi. Lan can cầu thang của khu nhà đã bị hỏng, nhiều chỗ trơ ra lõi sắt. Đã có trường hợp người dân bị thương do vữa rơi vào đầu. Ông Trần Xuân Thu (phòng 9D khu 5 tầng số 4, phường Trần Đăng Ninh) đã từng bị một mảng tường to hơn mặt bàn rơi xuống đầu khi ông đang rửa cốc chén trong nhà bếp, khiến ông bị thương, chảy máu ở đầu.

Bà Nguyễn Thị Lý (sống tại tầng 4) than thở: “Chúng tôi biết là nguy hiểm đấy, nhưng thu nhập thấp nên chẳng nên biết chuyển đi đâu. Thôi kệ, sống chết có số”.

Thực tế, khoảng 10 hộ dân đã chuyển đi khỏi khu nhà này, chỉ những người không có điều kiện thì đành ở lại, sống chung với hiểm họa. Mong muốn của nhiều hộ dân ở đây là khu chung cư cũ này được giải tỏa, người dân được trả tiền hoặc được cho thuê, mua nhà mới xây trên nền đất này với phương thức ưu đãi.

Cứ bão là chạy

Được biết, những khu nhà 3-5 tầng do thành phố Nam Định và Công ty Dệt xây trước kia, còn lại hơn 24 khu nhà 2-3 tầng do Công ty Dệt và Dệt lụa xây từ năm 1970-1975. Những nhà này đều được xây theo “công thức”: kết cấu tường chịu lực, mái và sàn panel hoặc bêtông. Phòng ở rộng nhất là 24 m2, nhỏ nhất là 18 m2 và sử dụng chung công trình phụ. Hiện có hơn 1.800 hộ gia đình đang phải sống trong những khu nhà mất an toàn như trên.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng- Phó giám đốc Công ty công trình đô thị Nam Định cho biết, trước kia, những chung cư cũ này do Công ty cổ phần Kinh doanh nhà ở quản lý. Tháng 6/2011, Công ty Công trình đô thị mới nhận bàn giao. Ngoài những khu nhà nói trên thì hiện có 312 hộ đang ở trong những khu nhà dạng tường gạch, sàn gỗ, mái ngói, được xây dựng từ năm 1904. Những căn hộ này cứ có bão là phải sơ tán.

“Công ty vẫn đặt vấn đề sửa chữa để đảm bảo sinh hoạt của người dân, tập trung vào những nhà nguy hiểm nhất để đảm bảo an toàn cho mưa bão, chủ yếu là chống dột, chống thấm, cắt bỏ những chỗ nguy hiểm, làm đường thoát, tiêu nước. Hiện công ty đang tiến hành sửa chữa cho 22 hộ dân thực sự nguy hiểm”- ông Hùng nói.

Vậy tình trạng người dân phải sống trong những ngôi nhà thiếu an toàn như trên còn tồn tại đến bao giờ? Ông Hùng chia sẻ: “Trước kia đã xây dựng phương án là kêu gọi những đơn vị có năng lực xây dựng, tạo cơ chế ưu đãi cho họ để họ xây chung cư 5-7 tầng, cho những hộ đang ở chung cư cũ sang thuê, nhưng chẳng có nhà đầu tư nào mặn mà, bởi nhu cầu nhà chung cư ở Nam Định không cao, nếu xây ra sẽ không mang lại lợi nhuận”.

Không có nhà đầu tư nào chịu bỏ vốn, hàng nghìn hộ dân tại TP. Nam Định có lẽ vẫn phải sống trong hiểm nguy…dài dài.

Theo Thục Quyên (Báo Gia đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.