07/12/2022 5:43 PM
Thị trường bất động sản cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đang rơi vào giai đoạn trầm lắng. Song có ý kiến cho rằng, những khó khăn của thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế hiện nay chỉ là trong ngắn hạn.

Một dự án bất động sản tại Huế.

Thị trường nhà đất tại Huế đang diễn biến ra sao?

Trải qua giai đoạn trầm lắng do dịch bệnh Covid-19, lượng giao dịch bất động sản đang dần phục hồi bỗng bất ngờ chững lại và sụt giảm trong quý 3/2022.

Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, quý 1/2022, toàn tỉnh ghi nhận 4.334 giao dịch đất nền, 189 giao dịch nhà ở riêng lẻ và 27 giao dịch căn hộ chung cư.

Sang đến quý 2/2022, lượng giao dịch bất động sản tại tỉnh bật tăng ở cả 3 phân khúc nêu trên, với 4.950 giao dịch đất nền, 311 giao dịch nhà ở riêng lẻ và 41 giao dịch căn hộ chung cư.

Bước sang quý 3/2022, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 2.480 giao dịch đất nền và 136 giao dịch nhà ở riêng lẻ.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện giá bán đất nền trên địa bàn tỉnh đang dao động ở mức 8-35 triệu đồng/m2; giá bán nhà ở riêng lẻ dao động ở mức 17,5-22,5 triệu đồng/m2; giá bán chung cư là 25 triệu đồng/m2; giá bán nhà ở xã hội là 17,5 triệu đồng/m2.

Trong quý 3/2022, Thừa Thiên Huế có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 dự án với 906 căn nhà ở riêng lẻ đang triển khai xây dựng. Đồng thời có 2 dự án với 336 căn nhà ở riêng lẻ hình thành trong tương lai đủ điều kiện giao dịch.

Cũng theo thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án nhà ở thu nhập thấp khu đô thị có diện tích 11ha, với tổng vốn đầu tư 2.163 tỉ đồng.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 14 dự án du lịch nghỉ dưỡng đang triển khai trong quý. Song song với đó, có 7 dự án du lịch nghỉ dưỡng đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng.

Dòng vốn đầu tư đang đổ vào Huế

Đón đầu cơ hội đầu tư trước thời điểm Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa phương này.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 11 vừa qua, toàn tỉnh có 28 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 14.002 tỉ đồng. Ngoài ra, có 8 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 5.500 tỉ đồng .

Ước đến cuối năm 2022, toàn tỉnh cấp mới 35 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 20.000 tỉ đồng.

Riêng về tình hình hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, tính đến tháng 11/2022, trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp đã cấp mới 11 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 4.683,3 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch, tăng 48% so cùng kỳ.

Luỹ kế đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp có 172 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 122.230 tỉ đồng. Trong đó, có 40 dự án vốn FDI với vốn đăng ký là 70.257 tỉ đồng.

Lũy kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 36.681 ti đồng, chiếm 30,3% tổng vốn đăng ký.

Hiện nay, có 109 dự án đang hoạt động, 45 dự án đang triển khai thực hiện và 15 dự án còn lại thuộc diện chậm tiến độ, ngừng triển khai thưc hiện.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ước thực hiện năm 2022 sẽ thu hút được 14-15 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 6.000 – 6.500 tỷ đồng và vốn đầu tư thực hiện ước đạt 2.500 – 3.000 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành 110 danh mục dự án làm cơ sở để lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2021-2022. Theo đó, trong Khu kinh tế, công nghiệp có 20 dự án và ngoài Khu kinh tế, công nghiệp có 90 dự án.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực có thể tiếp cận đất đai, dự án, tỉnh đã rà soát các dự án chậm tiến độ, tiếp tục xử lý theo Nghị quyết số 08/NQHĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh.

Đến nay có 15 dự án/79 dự án rà soát, giám sát đã đi vào hoạt động; 8 dự án cần đôn đốc tiến độ thực hiện; 20 dự án cần giám sát đặc biệt; 3 dự án tiếp tục rà soát thu hồi/thu hồi một phần; 33 dự án đã thu hồi.

Trong 33 dự án bị thu hồi, đến nay đã cấp lại 10 dự án cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án; 4 dự án không kêu gọi đầu tư; 19 dự án đang được các đơn vị liên quan xây dựng thông tin, tiêu chí kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư quan tâm thực hiện.

Trên lĩnh vực xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tỉnh đã tổ chức làm việc với các Tập đoàn lớn như Sovico, Sunshine, Hòa Phát, Tân Á Đại Thành, KMH (Hàn Quốc), AGR SermSang, Tập đoàn Itochu, Tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Western Pacific,…

Thừa Thiên Huế đang phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Động lực phát triển trong thời gian tới

Thừa Thiên Huế đang trong tiến trình phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là cơ hội rất tốt cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và thị trường bất động sản tại Huế nói riêng.

Báo cáo về tình hình thực hiện các chương trình trọng điểm năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay, tỉnh đã hoàn thiện Báo cáo giữa kỳ, hoàn thiện Khung định hướng chiến lược phát triển và thông qua dự thảo Báo cáo lần 1 Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định.

Tỉnh cũng tiến hành lập song song với Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết 1/2000) so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 62,25%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 15,4%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn mới 100%.

Thừa Thiên Huế cũng triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố Huế, các huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, phê duyệt chương trình phát triển đô thị Phong Điền và lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng về Chương trình phát triển đô thị thành phố Huế trước khi phê duyệt theo quy định.

Hiện nay, UBND thành phố Huế đang hoàn thiện hồ sơ để trình thẩm định, phê duyệt chương trình phát triển đô thị.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề cương chương trình phát triển đô thị từng đô thị, bao gồm: Chương trình phát triển đô thị thị xã Hương Trà; Chương trình phát triển đô thị thị xã Hương Thủy; Chương trình phát triển đô thị Chân Mây-Lăng Cô.

Đối với Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, tỉnh đang tổ chức triển khai thực hiện và trình Bộ Xây dựng thẩm định sau khi đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Riêng về dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế, đến nay, tổng số tiền đã thực hiện thủ tục giải ngân là 1.593/1.880 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 84,7%.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn có các dự án giao thông của Trung ương đầu tư làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đơn cử, dự án Đường Hồ Chí Minh (cao tốc Bắc - Nam) qua tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều dài 97Km, gồm 2 phân đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (nối Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng). Trong đó, phân đoạn La Sơn-Túy Loan qua Thừa Thiên Huế có chiều dài 36Km/tổng chiều dài tuyến 78Km, đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 05/2022.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 61km/tổng chiều dài tuyến 98,3Km, đang trong giai đoạn hoàn thành các hạng mục cuối cùng và sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 12/2022.

Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài gồm nhà Ga T2 công suất 5 triệu hành khách/năm và sân đỗ tàu bay được khởi công từ tháng 12/2020 và hiện đang trong giai đoạn hoàn thành các hạng mục cuối cùng. Dự kiến dự án sẽ được đưa vào khai thác theo kế hoạch vào tháng 12/2022.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn có hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, tập trung các tuyến giao thông quan trọng trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhằm liên kết các vùng, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, được khởi công tháng 3/2022 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025.

Dự án này hiện đang triển khai thi công phần móng, trụ cầu và dự kiến sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.

Riêng dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương có tổng mức đầu tư 2.281 tỉ đồng đến nay đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và dự kiến khởi công ngày 22/12/2022.

Một dự án khác là đường vành đai 3, kết nối với dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương có tổng mức đầu tư 750 tỉ đồng, hiện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và dự kiến khởi công trong năm 2023.

Dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài có tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 1.230 tỉ đồng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và dự kiến khởi công công trình quý 2/2023.

Dự án đường Phong Điền - Điền Lộc có tổng mức 672 tỉ đồng đã hoàn thành 9,8Km/16,25Km và hiện đang triển khai thi công các hạng mục, đoạn tuyến còn lại, dự kiến hoàn thành toàn tuyến trong năm 2023.

Đặc biệt, dự án chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư 1.617 tỉ đồng đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công toàn bộ 10 gói thầu xây lắp.

Trong đó 1 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng là hệ thống cấp nước khu xử lý rác Phú Sơn - thị xã Hương Thủy và đang triển khai thi công 09 gói thầu còn lại.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.