CTCP đầu tư Căn nhà Mơ ước (MCK: DRH) hiện đang sở hữu rất nhiều dự án BĐS tại TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Dù được quảng bá rầm rộ nhưng trên thực tế các dự án này vẫn gần như án binh bất động. Có lẽ vì vậy mà cổ phiếu DRH trên thị trường chứng khoán cách nay hơn năm chỉ có giá 6.000-7.000 đồng đã vọt lên trên 80.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 7-2016 và nay đã lao dốc xuống còn 23.900 đồng/cổ phiếu.

DRH được thành lập vào năm 2006, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là kinh doanh phân bón, đầu tư tài chính và BĐS. Với cái tên “Căn nhà mơ ước”, nhiều người nghĩ lĩnh vực hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp này là BĐS, nhưng thực tế không phải vậy. Năm 2015, DRH đạt tổng doanh thu 185 tỷ đồng, trong đó doanh thu mảng phân bón chiếm đến gần 74%, còn doanh thu đến từ mảng BĐS với khoảng 25%, chỉ bằng một nhà đầu tư nhỏ, cho thấy sự mờ nhạt và yếu kém của công ty này trên thị trường. Sau 10 năm thành lập, đi qua những giai đoạn BĐS ở thời hoàng kim, thăng trầm nhưng DRH vẫn chưa trình làng được một sản phẩm nhà ở hoàn thiện nào, tất cả đều nằm trên giấy.

Với cách phát triển BĐS kiểu “rùa bò” như vậy, DRH đang bị cổ đông và nhà đầu tư cho rằng không có tâm huyết và năng lực. Và để trấn an dư luận, mới đây DRH một lần nữa nêu lên quyết tâm triển khai 3 dự án, bao gồm khu căn hộ tại 1177 Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM), khu căn hộ 277 Bến Bình Đông (quận 8, TPHCM) và hạng mục biệt thự biển/nghỉ dưỡng thuộc dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu). Cứ nghĩ DRH đã sẵn sàng về mặt pháp lý để triển khai xây dựng, kinh doanh, nhưng qua tìm hiểu những dự án kể trên hiện đang “vướng” rất nhiều.

Đối với khu đất có diện tích chưa tới 3.000m2 để triển khai dự án chung cư D-Vela tại 1177 Huỳnh Tấn Phát (quận 7), DRH nhận chuyển nhượng từ CTCP Địa ốc An Phú Long. Khu đất hiện được rào chắn cẩn thận nhưng nằm bất động giữa hàng loạt dự án triển khai rầm rộ lân cận. Sau khi thi công cọc thử vào năm 2015, D-Vela không thể nhúc nhích do chưa có giấy phép xây dựng. Điều đáng nói là dù pháp lý dự án chưa hoàn chỉnh, chưa biết đến lúc nào có giấy phép, nhưng DRH cũng như môi giới rao tin sẽ mở bán D-Vela ra thị trường vào tháng 9-2016. Liệu DRH đã lo xong giấy phép xây dựng, thi công hoàn thiện móng để có thể huy động vốn đúng luật?


Mặt tiền dự án D-Vela tại 1177 Huỳnh Tấn Phát của DRH.

Tương tự, tại khu đất 277 Bến Bình Đông rộng 5.465m2 (phường 14, quận 8), vào những năm 2006-2007, Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam, CTCP Đầu tư và xây dựng điện Meca-VNECO, đã vẽ nên một dự án căn hộ hoành tráng có tên VNECO Plaza. Dự án này có quy mô 25 tầng (căn hộ 21 tầng, còn lại là hầm xe, thương mại, dịch vụ), thiết kế theo tiêu chuẩn căn hộ cao cấp, dự kiến hoàn thành vào năm 2009, nhưng cuối cùng bị trùm mền cho tới nay. Sau nhiều năm VNECO Plaza “trơ gan cùng tuế nguyệt”, DRH trả lời báo chí là đã nhảy vào đầu tư dự án này, căn hộ ở nâng lên 22 tầng và sẽ mở bán vào tháng 11-2016. Chưa biết DRH đầu tư vào dự án này với phương thức hợp tác nào, song ai đi ngang qua dự án mới thấy khu căn hộ cao cấp này chỉ mới thay da đổi thịt bằng vài tấm tole làm tường vây, bên trong không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào.

Ngoài ra, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An quy mô 11ha (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu đô thị Dream House City quy mô 45ha (Đồng Nai) và Khu phức hợp dân cư và vui chơi giải trí Suối Lớn gần 60ha (xã Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang), hiện cũng đang là những bãi đất trống. Như vậy, có thể thấy hầu hết dự án của DRH có một đặc điểm là triển khai trên giấy, thủ tục pháp lý chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là đòi hỏi một nguồn kinh phí quá lớn để triển khai xây dựng.

Thị trường BĐS thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, bán nhà trên giấy, lập dự án nhưng không triển khai, năng lực yếu kém, làm ảnh hưởng đến thị trường chung. Do đó, để sàng lọc bớt doanh nghiệp làm ăn chụp giựt, tay không bắt giặc, đồng thời bảo vệ người mua nhà, những quy định mới về điều kiện huy động vốn từ khách hàng không còn dễ dàng và ngon ăn như trước. Hơn nữa, yếu tố cạnh tranh trên thị trường hiện nay vô cùng khốc liệt, doanh nghiệp nào năng lực tài chính yếu kém khiến dự án trì trệ chắc chắn sẽ thất bại.

DRH vốn dĩ là công ty BĐS chưa để lại nhiều dấu ấn, lên sàn năm 2010 và cứ “lặng lẽ” cho đến năm ngoái đón nhận một nhóm cổ đông mới tham gia với những kỳ vọng về tái cấu trúc, thay đổi diện mạo. Nhưng BĐS không phải là một ngành có thể tạo ra dấu ấn chỉ trong thời gian ngắn, có xây biệt thự, chung cư đem bán cũng phải có thời điểm, tiến độ cụ thể, muốn đốt cháy cũng không được.
Minh Tuấn (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.