Một trong những lợi thế lớn của TP. Thủ Đức là mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông khá tốt so với các khu vực khác. Đây cũng là cơ sở cho sự phát triển của kinh tế - xã hội tại khu Đông TP.HCM. Trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Tuyến metro số 1 là điển hình cho tác động của hạ tầng đối với lĩnh vực nhà đất. Mặc dù tiến độ hoàn thành của metro số 1 không như kì vọng ban đầu nhưng những ảnh hưởng của nó đến bộ mặt đô thị dọc khu vực dự án đi qua là rõ nét. Hàng loạt dự án bất động sản liên tục mọc lên dọc hai bên đường tuyến metro đi qua.
Tuy nhiên, tại TP. Thủ Đức hiện nay vẫn có không ít dự án hạ tầng từng được kì vọng rất nhiều nhưng lại mang đến nỗi thất vọng. Dự án chậm tiến độ, gây khó khăn cho giao thông, làm phát sinh chi phí đầu tư.
Đường Vành đai 2 đoạn Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa
Cụ thể, đoạn đường thuộc dự án đường Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa chỉ dài khoảng 2,8km nhưng suốt nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thành. Dự án có vốn đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái (công ty Văn Phú Bắc Ái) làm nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Đại diện nhà đầu tư từng cho biết, đã sử dụng khoảng 1.400 tỉ đồng để thực hiện dự án.
Do nhiều vướng mắc, đến nay dự án vẫn ngưng trệ, chưa xác định ngày thi công trở lại. Hiện dự án vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng thông tuyến, một số hạng mục đã được xây dựng nhưng bị ngưng trệ nhiều năm nằm trơ trọi, sắt thép hoen gỉ.
Chỉ tính riêng đoạn này, sau gần 2 năm dừng thi công đã phát sinh thêm khoản lãi hơn 230 tỉ đồng buộc thành phố phải chi trả.
Cầu Nam Lý
Một dự án khác cũng đang “đắp chiếu” ở TP. Thủ Đức là cầu Nam Lý nằm trên tuyến đường quan trọng Đỗ Xuân Hợp. Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2016, cầu Nam Lý có chiều dài khoảng 450m, do khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư. Cây cầu có vai trò quan trọng khi nằm trên tuyến đường kết nối khu vực phía đông TP.HCM (gồm quận 9, quận 2, cao tốc Long Thành – Giầu Dây và xa lộ Hà Nội). Dự án đặt mục tiêu sẽ xây dựng và hoàn thành trong 18 tháng.
Tuy nhiên sau nhiều năm, cây cầu có vốn đầu tư lên đến gần 900 tỉ đồng vẫn nằm đắp chiếu. Theo Ban quản lý dự án, công trình hiện đạt khối lượng khoảng 40%. Lý do dự án ì ạch là bởi chưa tìm được tiếng nói chung với người dân trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án.
Tiến độ dự án ì ạch khiến cho việc lưu thông của người dân qua đoạn đường này khó khăn, ách tắc vào các giờ cao điểm.
Đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành
Kết nối với đường Đỗ Xuân Hợp là tuyến đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng ngừng thi công suốt nhiều năm qua. Dự án có tổng chiều dài gần 3,4km được thiết kế mặt đường ngang 20m, 4 làn xe được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 có điểm đầu từ Mai Chí Thọ và điểm cuối là đường Đỗ Xuân Hợp có chiều dài 2,76km. Đoạn 2 có điểm đầu là đường D11 và điểm cuối là đường Vành Đai 2.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 800 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) do Liên danh Công ty CP bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc làm chủ đầu tư.
Dự án cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai cũng đang trong tình trạng dang dở. Dự án có tổng vốn đầu tư 450 tỉ được khởi công từ tháng 12/2017, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Theo thiết kế, chiều dài tuyến 790 m, chiều dài cầu 231 m, bốn làn xe có lề bộ hành hai bên, đáp ứng 60 km/giờ. Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn chưa hẹn ngày về đích.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....
-
Thủ Đức 2040: Siêu đô thị 9 phân vùng với hơn 21.000 ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, với mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, dẫn đầu kinh tế khu vực. Quy hoạch chia Thủ Đức thành 9 phân vùng chức năng,...
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.