03/04/2014 8:17 AM
Sau nhiều lần "đổi chủ", số phận 2 dự án cảng biển lớn của Tập đoàn Vinashin đến giờ vẫn chưa rõ ràng, cũng không ai kiểm chứng con số vài trăm tỷ đồng đã "ném" vào xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu. Chỉ thấy một thực tế khá bẽ bàng là dự án vẫn "bất động" suốt nhiều năm giữa ngổn ngang đất đá, sóng nước mênh mông...

2 dự án có số phận khá hẩm hiu này là Dự án cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng) và Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), mà Vinashin đã chuyển giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khi thực hiện tái cơ cấu hồi năm 2010.

Vẽ "siêu dự án" rồi... bỏ rơi

Còn nhớ, vào tháng 8/2007, Công ty Đóng tàu Phà Rừng (thuộc Vinashin) đã rầm rộ khởi công xây dựng cảng tổng hợp và cụm công nghiệp Vinashin, tổng diện tích hơn 260ha tại Khu kinh tế Đình Vũ, tổng vốn đầu tư lên tới gần 2.500 tỷ đồng. Theo thiết kế, cảng tổng hợp có 4 cầu tàu chiều dài 630m và khu hậu cần sau cảng, gồm: kho bãi, văn phòng điều hành, nhà máy công nghiệp… Dự kiến, khi đi vào hoạt động năm 2009, cảng này sẽ tiếp nhận tàu hàng container, tàu hàng tổng hợp tới 20.000 - 45.000DWT, đạt công suất khoảng 7 triệu tấn/năm.

Dự án "vẽ" ra hoành tráng là vậy, nhưng thực tế thi công ì ạch và đã nằm "bất động" từ năm 2010 đến nay. Trên công trường dự án, những chiếc cọc bê tông, ống thép, thiết bị… phục vụ xây dựng hạ tầng cảng vẫn nằm phơi sương gió, hoen gỉ, hư hỏng từ lâu. Do chủ đầu tư "đói vốn" và không còn sự hỗ trợ từ công ty mẹ - tập đoàn, nên buộc phải tạm dừng dự án này. Và sau đó, Vinashin lâm vào khủng hoảng trầm trọng, thua lỗ, nợ nần chồng chất, nên buộc phải chuyển giao dự án cảng Vinashin Đình Vũ sang cho Vinalines, từ bỏ giấc mơ xây cảng nghìn tỷ.

Nhưng ngay cả khi "đổi chủ", dự án cảng Vinashin Đình Vũ vẫn tiếp tục bỏ hoang. Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh Doanh, Công ty Đóng tàu Phà Rừng từng có ý định xin lại dự án này để triển khai. Song, vấn đề tài chính tồn đọng của dự án, nhất là số vốn thực tế hàng chục tỷ đồng mà Vinashin đã đầu tư trước đây vẫn chưa xử lý được. Và phần tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay ngân hàng cũng đang khá "lùng nhùng". Hiện, chưa rõ khi nào Vinalines sẽ khởi động lại dự án này hay sẽ chuyển giao cho công ty khác.

"Siêu dự án" thứ hai của Vinashin cũng trong tình trạng "đắp chiếu" suốt thời gian dài là dự án Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, được khởi công vào tháng 3/2007. Khi ấy, chủ đầu tư dự án - Công ty Đầu tư phát triển kinh tế Hải Hà (thuộc Vinashin) công bố rằng sẽ đầu tư xây dựng một cảng biển tiếp nhận tàu lớn trọng tải cỡ 30.000 - 80.000DWT, công suất bốc dỡ hàng hóa lên tới 35,1 triệu tấn/năm, tổng diện tích 768ha.

Dự án này từng được kỳ vọng trở thành "điểm sáng" phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh và Vinashin. Chủ đầu tư cũng đã tập trung nguồn lực, thi công rốt ráo các hạng mục đường giao thông, xẻ núi, san lấp biển… Nhưng sau 2 đợt thi công rầm rộ (năm 2009 và 2010), các nhà thầu đã rút khỏi dự án, tạm dừng thi công, bỏ lại những vùng đất san lấp dở dang, vẫn từng ngày bị sóng biển cuốn trôi.

Cảng Vinashin Đình Vũ đã nằm "bất động" từ năm 2010 đến nay

Để tìm lối thoát cho dự án này, Vinalines cũng đã tính đến khả năng tìm kiếm, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, như: Tập đoàn Hải cảng Quốc tế vịnh Bắc bộ (Trung Quốc), Công ty Bontex (Đài Loan), và một số doanh nghiệp… Tuy nhiên, do tài chính cũng chẳng dư dả, nên Vinalines lại bàn giao dự án này cho Công ty Cổ phần INDEVCO triển khai tiếp (cuối năm 2011).

Nhà đầu tư ngoại: Lối thoát?

Ngày 22/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) về kế hoạch đầu tư chuỗi dây chuyền dệt may tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà. Bước đầu, Tập đoàn Texhong đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho nghiên cứu, triển khai xây dựng và kinh doanh hạ tầng giai đoạn 1 (quy mô 641ha) trong chuỗi dây chuyền dệt may tại đây. Đây có thể là một lối thoát cho "siêu dự án" bế tắc lâu nay, nhờ thu hút nguồn vốn ngoại.

Trước đó, đầu năm 2013, Bộ GTVT cũng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án điều chỉnh đầu tư cảng biển tại dự án này. Theo đó, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) muốn xin phép lập dự án cảng nổi nước sâu đa năng phục vụ bốc dỡ hàng container, công suất 230.000TEU/năm, quy mô vốn dự kiến là 2.898 tỷ đồng.

Trong khi các phương án "hồi sinh" Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà đang được xem xét, thì các chủ dự án mới và cũ vẫn chưa xử lý được vướng mắc trong việc chuyển giao dự án, nhất là phần tài chính đã đầu tư. Chủ đầu tư - Công ty Đầu tư phát triển kinh tế Hải Hà báo cáo đã chi hơn 280 tỷ đồng vào Dự án cảng Hải Hà, song rất khó kiểm chứng con số này. Vào thời điểm nhận bàn giao từ Vinashin (năm 2010) và trên cơ sở đánh giá thực tế, Vinalines tỏ ra hoài nghi về con số 280 tỷ đồng "ném" vào dự án, vì phần lớn khối lượng cát san lấp đã bị… sóng biển cuốn trôi!

Về phía INDEVCO, sau hơn 2 năm nhận lại dự án, công ty này vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, lập dự án theo quy hoạch đã duyệt, trong đó sẽ chia nhỏ hợp phần cảng biển cho INDEVCO và Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung cùng thực hiện. Còn việc thi công thực tế, chưa rõ khi nào sẽ tái khởi động, và quan trọng là thu xếp được nguồn vốn đầu tư.

Thu Hằng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.