Hiện ngành xi măng có 8 doanh nghiệp xuất khẩu với lượng xuất khẩu trong năm 2012 đạt 8,1 triệu tấn xi măng và clinker, tăng gần 30% so với năm 2011. Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, chưa thể dự báo chính xác về lượng clinker và xi măng xuất khẩu trong năm 2013, nhưng phấn đấu đạt ở mức 7 - 8 triệu tấn, tương đương năm 2012.
“So với năm 2012 thì năm 2013 sẽ nhiều khó khăn hơn do tính cạnh tranh trong khu vực tăng lên, các nước như Thái Lan, Trung Quốc cũng đẩy mạnh xuất khẩu và kinh nghiệm của họ hơn mình. Không chỉ cạnh tranh với nước ngoài, doanh nghiệp xi măng còn phải cạnh tranh trong chính nội bộ các đơn vị xuất khẩu”, ông Thiện đánh giá.
Các nhà sản xuất xi măng cho rằng, xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế để giảm lượng tồn kho, bởi xuất khẩu hiện bị cạnh tranh mạnh và không có lãi. Tuy nhiên, những thành công bước đầu cho thấy, xuất khẩu là một lối thoát của ngành xi măng và một số doanh nghiệp đang xem đây là hướng đi lâu dài của mình.
Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, các đơn vị thuộc Vicem vẫn đang tìm thị trường xuất khẩu. Dự kiến sẽ xuất khoảng 4 - 5 triệu tấn xi măng và clinker trong năm 2013, tương đương 20 - 25% sản lượng sản xuất của Vicem. Trong đó, Xi măng Hà Tiên xuất xi măng sang Campuchia, còn các đơn vị phía Bắc như Hoàng Thạch, Bút Sơn, Tam Điệp… xuất clinker.
Ông Đào Ngọc Bình, Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, xuất khẩu là hướng đi mới của Hoàng Thạch khi thị trường trong nước dư thừa và nếu thành công, đây sẽ là hướng đi lâu dài của Công ty. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã thành công trong việc tung ra thị trường dòng sản phẩm xi măng cao cấp chuyên dùng cho xây trát MC25 để lấy lại thị phần đã mất và giữ vững địa bàn truyền thống.
Ngoài Hoàng Thạch, năm 2012, các đơn vị khác thuộc Vicem cũng đã tung ra dòng sản phẩm xi măng chuyên dùng cho xây trát, có tính năng vượt trội về độ mịn và giá thành rẻ để lấy lại thị phần. Tại phía Bắc, sản phẩm MC24 có giá khoảng 960.000 đồng/tấn, rẻ hơn nhiều so với mức giá 1,26 triệu đồng/tấn PCB30, còn phía Nam là 1,22 triệu đồng/tấn so với 1,555 triệu đồng/tấn PCB40. Dù lượng tiêu thụ dòng sản phẩm xây thô không nhiều (Vicem Hà Tiên mỗi năm khoảng hơn 100.000 tấn), nhưng sản phẩm giá rẻ là một trong các yếu tố giúp Hà Tiên giữ vững thị phần tại địa bàn trọng điểm như TP. HCM hay Bình Dương.
Không giống xi măng, ngành thép thuộc diện “mạnh - yếu” không đều do cơ cấu sản phẩm. 2 tháng đầu năm 2013, ngành thép ghi nhận 4 doanh nghiệp ngừng sản xuất. Tuy nhiên, trong khi thép xây dựng lao đao, thì một số sản phẩm khác như tôn mạ lại ăn nên làm ra.
Đơn cử, Tập đoàn Hoa Sen trong năm tài chính 2011 - 2012 đạt doanh thu 10.088 tỷ đồng, lợi nhuận 368 tỷ đồng. Cùng với việc củng cố thị phần trong nước khi chiếm 40%, Hoa Sen đã vươn xa hơn bằng việc xuất khẩu sang thị trường ASEAN, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD, tăng 80% so với niên độ tài chính trước đó. Năm tài chính 2012 - 2013, Hoa Sen dự kiến tăng trưởng xuất khẩu 20 - 30% sang thị trường ASEAN.
Trên lĩnh vực gốm sứ xây dựng, dù cũng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp vẫn tìm được hướng đi riêng cho mình và tận dụng lợi thế để chiếm lĩnh thị trường.
Ông Hạ Bá Phong, Giám đốc Công ty Kính nổi Viglacera (Bình Dương) cho biết, hiện Công ty đang có kế hoạch sửa chữa lại lò, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải phóng sức lao động của công nhân. Sau khi nâng cấp, chất lượng sản phẩm của Công ty sẽ đứng top đầu thị trường Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận, sự biến động của thị trường và lãi suất ngân hàng cao khiến các doanh nghiệp khó có bài toán vẹn toàn. Vì thế, để tồn tại và phát triển, Công ty đang đi những bước đi thận trọng.