6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 2 vụ cháy tòa nhà cao tầng khiến người dân một phen hoảng hốt. Mặc dù trong quá trình thi công nhà cao tầng luôn được giám sát chặt chẽ ở khâu thiết kế, nhất là đảm bảo cho công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, nhưng khi có sự cố xảy ra đã nảy sinh nhiều bất cập trong việc xây dựng các tòa nhà cao tầng và công tác chữa cháy.
Vào cuối tháng 6, hàng ngàn người dân đang sống và làm việc tại toà nhà văn phòng - chung cư CoPac số 12 Tôn Đản, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh bị một phen hoảng hốt, bỏ chạy tán loạn khi ngọn lửa lớn bùng phát ở căn hộ A6 tầng 22 của toà nhà này. Tất cả cư dân ở đây đã được sơ tán qua lối thang bộ tối om trong sự hoảng loạn. May mắn là vụ cháy xảy ra vào ban ngày, chứ vào ban đêm thì thiệt hại sẽ không lường hết được.
Vụ cháy tại toà nhà văn phòng - chung cư CoPac (Ảnh: KT)
Bà Trần Như Quỳnh, hộ 5A, tầng 10 tòa nhà Copac chưa hết bàng hoàng sau vụ cháy: “Việc di tản diễn ra rất nhanh, nhưng khi xuống cầu thang bộ lại quá tối khiến người già và trẻ nhỏ sợ hãi khi không nhìn thấy đường đi. Theo tôi, cần phải có thêm cầu thang bộ ngoài trời để phòng ngừa tình huống cháy ở dưới cuộn khói lên sẽ khiến cầu thang bộ trong tòa nhà ngạt khí.”
Không chỉ có chung cư CoPac quận 4 mà ngay từ đầu năm, bà hỏa cũng đã viếng cao ốc Phúc Thịnh 24 tầng, trên đường Cao Đạt, phường 1, quận 5, đây cũng là lần thứ 2 cao ốc này xảy ra sự cố về cháy. Điều đáng nói ở đây là khi có hỏa hoạn xảy ra, lực lượng chữa cháy, hướng dẫn tại chỗ còn rất lúng túng khi xử lý tình huống ban đầu, khiến cho người dân hoảng loạn, nháo nhào tìm đường thoát thân.
Bà Nguyễn Thị Chính, hộ A3 lầu 11 tòa nhà CoPac, quận 4, cho biết: “Chúng tôi nghe thấy chuông báo cháy nên nháo nhào chạy, mọi người đều lo sợ, la hét ầm ĩ.”
Theo thống kê, tại thành phố Hồ Chí Minh, số lượng cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại chiếm hơn 6,13%. Các chung cư cao tầng này có số lượng người đông, công năng sử dụng phức tạp, tập trung nhiều chất cháy. Khi xảy ra cháy tại nhà cao tầng thường kèm theo khói, khí độc với nồng độ cao, hệ thống điện chính sẽ tự động ngắt đi, vì vậy lực lượng quản lý điều hành tòa nhà cần phải hết sức thành thạo và chuyên nghiệp trong việc hướng dẫn thoát hiểm cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, khi sự cố xảy ra lực lượng này lại chưa làm được điều đó.
Ông Nguyễn Hoàng Long, hộ A8 tầng 18, Chung cư CoPac đề nghị: “Quan trọng nhất là khi có cháy thì hệ thống trực chung phải biết để báo ngay lập tức cho người dân để dân biết cách sơ tán. Khi dân chạy tán loạn xuống đây hỏi thì không biết cháy ở lầu nào. Những người trực cháy và quản lý chung cư phải có chuyên môn nghiệp vụ điều hành di dời bà con có phương pháp để không bị lộn xộn).
Chung cư cao cấp và hiện đại nhưng lại thiếu đội ngũ tại chỗ thành thạo trong việc ứng phó với hỏa hoạn cùng với những bất cập trong hệ thống thoát hiểm là vấn đề cần được các cấp, ngành chức năng thành phố Hồ Chí Minh quan tâm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân./.