12/06/2022 10:16 AM
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cho biết, tín dụng tăng trưởng mạnh, tới ngày 27/5/2022 đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Con số này cho thấy nhu cầu vay vốn tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.

Ảnh minh hoạ.

Tín dụng tăng nhanh

Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VnDirect, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 8% từ đầu năm tính đến cuối 31/5/2022 (trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2021 tăng 5%), cho thấy nhu cầu vay vốn tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.

Tính đến quý 1/2022, tín dụng tăng 6% kể từ đầu năm (+16,9% so với cùng kỳ) lên 11.149 nghìn tỷ đồng (quý 1/2021: 2,95% kể từ đầu năm 2021), nhờ vào tăng trưởng từ các ngành nghề sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Ba ngân hàng thương mại Nhà nước niêm yết là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, chiếm 33,5% thị phần cho vay cả nước, ghi nhận tín dụng tăng 6,7% từ đầu năm, cao hơn mức tăng của toàn hệ thống. Tổng dư nợ cho vay của 15 ngân hàng niêm yết, chiếm 62% tín dụng hệ thống, tăng 6,7% tính đến cuối quý 1/2022.

Đối với tăng trưởng cung tiền (M2), M2 cải thiện 3,45% từ đầu năm, 12,3% so với cùng kỳ tính đến cuối quý 1/2022, thấp hơn tốc độ tăng 6% của tín dụng hệ thống. Trong khi đó, tiền gửi của dân cư tăng trưởng chậm lại, chỉ tăng 3,3% so với đầu năm.

VnDirect cho rằng khách hàng cá nhân vẫn đang tìm kiếm các công cụ đầu tư có lợi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp tại thời điểm đó.

Tổng tiền gửi của khách hàng tại 3 ngân hàng thương mại Nhà nước (chiếm 30% tổng M2), tăng 4,2% từ đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng chung. Tổng tiền gửi của 15 ngân hàng niêm yết, chiếm 56% tổng M2, tăng 4,2% so với đầu năm ở cuối quý 1/2022 (cao hơn nhiều so với mức 1,6% kể từ đầu năm ở cuối quý 1/2021).

VnDirect cho rằng chênh lệch tăng trưởng huy động-tín dụng đang nới rộng sẽ phần nào đè nặng lên các ngân hàng có thanh khoản thấp.

Tại "Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%" diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dòng vốn tín dụng tăng trưởng tốt và được điều hướng tích cực đã bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng được dàn trải, đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, những mảng có khó khăn nhiều (du lịch, khách sạn,…) ghi nhận tăng trưởng mạnh trên 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung như: vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải tăng 8,25%; công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...

Cùng với đó, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

VnDirect dự báo, tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ tiếp tục tăng tốc và đạt ít nhất là 14% trong năm 2022, nhờ (i) hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ; (ii) lãi suất cho vay thấp để kích thích nhu cầu vay vốn của người mua nhà; và (iii) tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn.

VnDirect cho rằng, việc Việt Nam đã được bình thường hóa kể từ tháng 10/2021 cùng với các gói hỗ trợ hiện hành của Chính phủ và lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hồi phục và nhận các khoản vay mới để hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra lạm phát và sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các ngân hàng về độ an toàn vốn để xét cấp hạn mức tín dụng.

Lãi suất huy động tăng

Theo BVSC, tín dụng tăng trưởng đã phần nào tạo sức ép trong huy động của các ngân hàng, khiến lãi suất huy động tăng nhẹ 0,14 điểm phần trăm so với cuối năm 2021.

Dù vậy, việc các NHTM đều đã hết room tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất liên ngân hàng có diễn biến giảm, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay.

Trong năm 2022 này, BVSC duy trì dự báo lãi suất sẽ không tăng quá mạnh, chỉ ở quanh mức 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021.

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) là nhóm duy nhất có lãi suất tăng ở cả 2 loại kỳ hạn, cùng ở mức 0,10 điểm phần trăm, lên 5,61% (6 tháng) và 6,23% (12 tháng).

Ngược lại, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) giảm 0,02 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 6 tháng xuống còn 4,68%/năm và 0,01 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống 5,45%/năm.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 5. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,78%/năm trong tháng thứ 11 liên tiếp; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 9 tháng.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.