“Đường làng” cũng nhan nhản chung cư
Tuyến đường Khương Trung (quận Thanh Xuân) gọi là phố nhưng thực chất cũng chỉ bằng những con ngõ lớn với chiều rộng lòng đường chỉ khoảng 3m. Con phố vốn đã chật hẹp, hằng ngày, cứ vào giờ tan tầm là xảy ra tình trạng ùn tắc triền miên.
Thế nhưng với việc một dự án chung cư với hai đơn nguyên mọc thêm tại địa chỉ số 283, tắc đường đang dần trở thành nỗi ám ảnh với người dân trong khu vực. Chị Bùi Thu Thủy (cư dân phường Khương Đình) cho biết, 2 đứa con nhà chị hiện đang học tại Trường THCS Nguyễn Trãi (nằm trên đường Khương Trung), mỗi chiều đến giờ đón con tan học không khác gì cực hình.
Cuối con phố nhỏ Định Công (giáp KĐT mới Linh Đàm), 2 dự án chung cư đang đi vào hoàn hiện để đón cư dân mới.
“Chưa có chung cư đã tắc đường rồi, bây giờ tắc đường càng trầm trọng hơn. Phố thì bé như cái ngõ mà cũng cài cắm chung cư vào thì đường sá nào chịu nổi”, chị Thủy chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Đông (nhà ngay chợ Khương Trung) cho biết, con phố Khương Trung vốn dĩ trước kia chỉ là con đường làng nên lúc nào cũng đông đúc, nay thêm dự án chung cư thì tình trạng này càng thêm trầm trọng.
“Thêm dân về không chỉ người lớn khổ mà các cháu nhỏ cũng khổ. Lấy đâu ra trường cho các cháu học. Chung cư đẻ ra nhưng có đẻ ra trường đâu. Không hiểu quận, rồi cả thành phố nghĩ gì mà lại quy hoạch chung cư vào đây”, bà Ngần nói.
Cách Khương Trung không xa là con phố Chính Kinh, người dân khu vực này đang ngao ngán khi một dự án chung cư 21 tầng cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mật độ cư dân ở đây rất đông, không gian vốn đã rất chật hẹp.
Tới đây, chung cư này sẽ đón thêm hàng nghìn cư dân mới, thêm cả xe cộ, ôtô thì không gian sẽ càng “ngộp thở”. Chị Nguyễn Thị Hiền (nhà ngay cổng làng Chính Kinh) cho biết, trước khu vực này là làng xã nay lên phố phường nên không gian sống của người dân ngày càng chật hẹp.
“Công viên, sân chơi cho các cháu thì không thấy mà toàn thấy chung cư. Người mua nhà chắc cũng chẳng hứng thú ở những nơi tắc đường triền miên, con không có chỗ học cả”, chị Hiền cho biết.
Điểm mặt các con phố nhỏ, ngõ nhỏ có hàng loạt các dự án chung cư đang được nhồi nhét vào như đoạn cuối phố Định Công (đoạn giáp KĐT mới Linh Đàm) 2 dự án chung cư đang đi vào hoàn thiện để đón cư dân mới; ngõ 102 Trường Chinh với một hẻm 2 chung cư: MeCo Complex và chung cư Capital Garden với lượng cư dân lên đến vài nghìn người…
Quản lý yếu kém liên tục phá vỡ quy hoạch
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, bức tranh quy hoạch của Hà Nội sẽ ngày càng rối rắm hơn khi vẫn có hàng loạt chung cư được phép “chui” vào những con ngõ, phố nhỏ như hiện nay, kèm theo đó là hàng loạt hệ lụy khác mà hạ tầng sẽ phải đối mặt.
Trao đổi với PV Báo CAND, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, quy hoạch phải đề xuất ra không gian quy định rõ dân số trong từng khu vực.
Việc xây dựng các công trình cao tầng sẽ tạo áp lực vào hạ tầng kỹ thuật nói chung, đặc biệt là vấn đề tiêu chí về quản lý dân số. Tồn tại của Hà Nội trong những năm vừa qua chính là chỗ quản lý dân số chưa chặt chẽ.
“Ví dụ trong quy hoạch được duyệt từ năm 1998 thì dân số trong nội đô từ 96 vạn giảm xuống còn 80 vạn. Nhưng thực chất anh lại không giảm, mà theo thống kê từ năm 2010 dân số đã tăng lên 1,2 triệu người. Như vậy bản thân quy hoạch đề ra là chỉ tiêu đúng đắn nhưng quản lý để thực hiện theo quy hoạch còn nhiều tồn tại”, ông Nghiêm nói.
Ông Nghiêm phân tích, trong những cái tồn tại có việc tổ chức xây dựng các không gian cao tầng. Rõ ràng trong quy hoạch đã đưa ra chỉ tiêu về không gian và tầng cao ở từng khu vực nhưng thiếu quản lý thực hiện theo quy hoạch.
Đặc biệt là thiếu quản lý điều chỉnh cục bộ theo quy hoạch. Chính vì thế mà thời gian qua mới có chuyện hàng loạt chung cư mọc lên nhưng không có mối quan hệ tốt với hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt với giao thông và điện nước).
“Ở Hà Nội hiện nay có khoảng 500 nhà cao tầng. Trong đó vẫn còn có những nhà mới đang là dự án hoặc chờ điều chỉnh. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải lập tức rà soát để có lời giải cho bài toán quá tải hiện nay. Trong quy hoạch hiện nay sau quy hoạch chung, cần phải có quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết cụ thể từng khu vực và phải xác định cụ thể tầng cao để tránh cơ chế “xin - cho” trong điều chỉnh quy hoạch”, TS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.