20/05/2018 9:08 AM
Gần 10 năm qua, nhiều cuộc xung đột đã xảy ra giữa người dân bản địa và các dự án rào chiếm, lấn biển tại Đà Nẵng.

Lối xuống biển cạnh khách sạn Furama đã được TP.Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Ảnh: Hoàng Sơn

Ở nhiều địa danh nổi tiếng về biển trên cả nước, tình trạng trên cũng xảy ra khiến người dân địa phương khó tự do tắm biển.

Mất biển, mất bãi tắm

Chuyện thứ 1: “Có du khách đi từ Đà Lạt xuống Mũi Né bằng xe máy nhưng khi đến khu vực các resort ở Hàm Tiến thì không tìm ra chỗ tắm biển. Nguyên nhân là nơi này các resort đã bịt kín, không có đường xuống biển cho người dân và du khách”.

Chuyện thứ 2: “Trước đây, học sinh nghỉ hè thường ra vườn dừa Hàm Tiến tắm biển, cắm trại thỏa thích. Nay không còn chỗ nữa, phải lên vùng núi cắm trại”.

Đó là 2 câu chuyện mà cử tri Trần Hữu Bình (P.Xuân An, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) vừa gửi đến 2 đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận là ông Phạm Thật (Phó giám đốc Công an tỉnh) và bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh (Trưởng ban VH-XH của HĐND tỉnh) để "đòi" đường xuống biển cho người dân và du khách.

Cử tri Bình cũng nêu: “Trong khi đó, tôi thấy Báo Thanh Niên đưa tin ở Mũi Né có tới 15 dự án chậm triển khai. Tôi đề nghị trồng lại rừng dừa tạo cảnh quan du lịch của ven biển Hàm Tiến - Mũi Né như trước đây. Những dự án nào dây dưa không triển khai thì tỉnh thu hồi trả lại đất cho nhà nước, cho dân. Đề nghị đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị tỉnh làm những con đường nhỏ ở khu vực Hàm Tiến, Mũi Né để người dân và du khách vãng lai có thể ra tắm biển tự do”.

Quan sát thực tế, ở khu vực phía cuối P.Hàm Tiến, giáp với P.Mũi Né chỉ có một con đường nhỏ xuống biển dù bờ biển kéo dài khoảng 5 km. Những du khách ở các khách sạn phía tây (nơi không có biển) thường gặp nhiều khó khăn do không có đường xuống biển, muốn tắm phải đi khá xa. Đã vậy, con đường hiện nay không có biển báo, khiến khách vãng lai tới đây không biết chỗ nào mà tìm. Suốt chiều dài hơn 15 km từ P.Hàm Tiến nối với Mũi Né hiện nay dày đặc các resort. Có những resort chỉ có bề ngang chừng 10 m mặt biển.

Nhưng đâu chỉ Mũi Né, hầu hết các địa danh nổi tiếng về biển trên cả nước, người dân đã mất dần lối xuống tắm. Điển hình là TP.Đà Nẵng. Từ 2010, hàng trăm người dân P.Xuân Hà (Q.Thanh Khê) đã ngỡ ngàng khi Khu đô thị quốc tế Đa Phước (nay là The Sunrise Bay) dựng dãy hàng rào kín mít chiếm trọn mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành vịnh Đà Nẵng trải dài từ cầu Thuận Phước (Q.Hải Châu) đến giao lộ Tôn Thất Đạm (Q.Thanh Khê). Người dân các phường Thuận Phước, Thanh Bình, Tam Thuận, Xuân Hà không chỉ mất biển, mất bãi tắm, mà bờ biển trải dài dành cho ngư dân các làng chài này neo đậu tàu thuyền cũng bị xóa sổ. Mới đây nhất, vụ xung đột giữa người dân Nam Ô và Tập đoàn Trung Thủy đã xảy ra khi TP giao đất cho tập đoàn này làm Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Lancaster Nam Ô Resort and Spa). Hàng rào đã bị người dân gỡ bỏ, dù trước đó tập đoàn này đã cam kết với TP sẽ giữ đường xuống biển và bảo tồn di tích bên trong.

Cũng tại Đà Nẵng, từ 3 - 4 năm trước, người dân Q.Ngũ Hành Sơn đã bức xúc lên tiếng đòi lại các lối xuống biển do hàng loạt các khu nghỉ dưỡng xây dựng san sát che kín. Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND TP, Đoàn ĐBQH TP, vấn đề này luôn được cử tri nêu đi nêu lại, nhưng phương án thu hồi đất mở đường vẫn chưa thể đưa ra. Dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa nối dài về hướng Quảng Nam khoảng 10 km, người dân không còn lối xuống biển do các khu nghỉ dưỡng lập tường bao. Có đoạn, để có đường xuống biển người dân phải “đỏ mắt” đi tìm, hoặc đi vòng hàng cây số như đoạn từ khu nghỉ dưỡng Furama cho đến dự án Future Property Invest...

Nhọc nhằn mở lối

Trả lời Thanh Niên, ông Trương Trọng Khiêm, Phó chủ tịch UBND P.Hàm Tiến (TP.Phan Thiết - nơi có nhiều resort nhất của Bình Thuận), cho biết hiện nay ở KP.1 đã có 4 con đường xuống biển, KP.3 có 2 đường xuống biển. Tuy nhiên, suốt chiều dài từ KP.4 của P.Hàm Tiến giáp với Mũi Né không có con đường nào cho dân xuống biển.

“Cử tri cũng kiến nghị với chính quyền nhiều rồi nhưng cái này do ngày trước tỉnh cho đầu tư như vậy. Khi họp với ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, chúng tôi cũng đã gửi các kiến nghị của người dân lên đề nghị mở đường dân sinh cho dân xuống biển. Nếu 2 resort sát nhau, chỉ cần chủ đầu tư dành ra 1,5 m thôi thì đã có đường rộng 3 m cho khách xuống tắm biển”, ông Khiêm nói.

Tương tự, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay cuối năm 2017, Thường trực HĐND TP đã yêu cầu rà soát, phân kỳ thu hồi, đầu tư các lối xuống biển theo quy hoạch, nhất là lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương và lối xuống biển nằm giữa khách sạn Furama và quần thể du lịch quốc tế Ariyana. Đối với lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương, vừa qua, Ban Cán sự đảng UBND TP đã thống nhất về nguyên tắc phương án thu hồi theo lộ giới 15 m bãi xe phía đông và bãi cát phía biển để làm lối xuống biển.

Theo ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, lối xuống biển nằm cạnh Furama hiện dự kiến sẽ khởi công trong tháng 7 và nếu đúng tiến độ thì sẽ hoàn thành trong tháng 9.2018. Riêng lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương thì đang chờ báo cáo lần cuối lãnh đạo TP để thống nhất về phương án triển khai có sự hài hòa giữa quyền lợi của chủ đầu tư các dự án liền kề và quyền lợi của người dân trong khu vực.

Có thể đối mặt với kiện cáo

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi tiếp xúc cử tri Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thừa nhận: “Trong thời gian qua phát triển các dự án bờ biển mạnh mẽ quá đôi khi quên cả lối xuống biển của người dân. Hiện TP đang rà soát lại tất cả các dự án và chọn điều chỉnh những vị trí phù hợp đảm bảo các lối xuống biển đàng hoàng cho người dân. Để người dân luôn có cảm nhận bờ biển đó thuộc về mình”, ông Nghĩa nói.

Mới đây, tại chương trình “HĐND với cử tri”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho rằng việc mở lối xuống biển là việc quan trọng trong mở mặt tiền biển để phát triển khu đô thị, dịch vụ các khu bên trong. Qua rà soát sơ bộ, TP phát hiện có 2 dự án ven biển giao đất không đúng đối tượng. “Chúng tôi phát hiện và đã trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thu hồi chứ không chờ đợi kết luận của thanh tra”, ông Thơ khẳng định.

Nhiều địa phương khác cũng có chủ trương tương tự. Nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc này không hề đơn giản. Trước đây, để thu hút đầu tư các tỉnh, thành ra sức mời gọi, ưu đãi và cấp phép cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển dự án. Nếu doanh nghiệp thực hiện đúng như được phê duyệt, chính quyền không thể đơn phương thu hồi, mà cần tìm giải pháp hài hòa, nếu không có thể sẽ phát sinh những hệ lụy về môi trường đầu tư cũng như đối diện với các vụ kiện cáo từ phía doanh nghiệp.

Quảng Trị: Hàng rào tôn “nhức mắt” dọc bờ biển

Khu đất gồm 19 ha đất sản xuất và 4 ha đất rừng phòng hộ từng được UBND tỉnh Quảng Trị giao cho Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank) xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn đang được dựng hàng rào tôn xung quanh. Tỉnh đã có văn bản yêu cầu VietinBank khẩn trương đầu tư dự án và tháo dỡ phần hàng rào ngăn đường ra biển, nếu không đến quý 2/2016 sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa rục rịch, và hàng rào vẫn sừng sững nhức mắt chắn lối xuống biển của người dân.

Hoàng Sơn - Quế Hà - Nguyên Tú (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.