02/10/2017 7:51 AM
Thực trạng giao thông kẹt cứng đã và đang biến sân bay Tân Sơn Nhất thành nút thắt khó gỡ bị nhiều người lo ngại sẽ là viễn cảnh của ga Hà Nội, nếu đồ án cao ốc hóa khu vực này được phê duyệt.
Đường Cộng Hòa tới sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) thường xuyên kẹt xe khi hàng loạt cao ốc đã và đang được xây dựng. Ảnh: M.Q
Cao tầng bủa vây, Tân Sơn Nhất cứu mãi chưa thoát
Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia đau đầu tìm cách giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất khỏi ùn tắc và gần như đang “bó tay” trước thực trạng hàng chục cao ốc “bủa vây” đẩy mật độ giao thông ở khu vực này tăng rất cao.
Từ hai năm trở lại đây, trong bán kính từ 500m-3km trên các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất như Phổ Quang, Hồng Hà, Hoàng Minh Giám, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng… có khoảng 30 dự án cao ốc được xây dựng. Từ cuối 2016 đến nay, tốc độ xây dựng càng khẩn trương và hàng loạt dự án bất động sản “khủng” được chủ đầu tư tận dụng từng centimet đất để xây dựng, tạo nên một không gian bức bí và ngột ngạt. Các tuyến đường này có chung đặc điểm chỉ rộng khoảng 15m nên xe cộ qua đây luôn trong tình trạng có thể kẹt bất cứ lúc nào.
Theo ghi nhận, trên đường Hồng Hà là dự án Orchard Garden cao 18 tầng với gần 200 căn hộ. Nằm liền kề đó là dự án Orchard Parkview cao 24 tầng với gần 400 căn hộ. Nằm ngay giao lộ Hoàng Minh Giám - Hồng Hà, nút thắt cổ chai thường xuyên ùn tắc giao thông, là dự án Garden Gate cao 21 tầng với 272 căn hộ. Cách đó 50m trên đường Phổ Quang, dự án Sky Center cao 16 tầng quy mô 495 căn hộ, 360 office-tel và shophouse.
Đường Cộng Hòa là tuyến đường độc đạo từ trung tâm về An Sương và ngược lại nên thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm và thời gian tới dự báo sẽ còn kẹt xe khủng khiếp hơn khi dọc hai bên đường Cộng Hòa, các cao ốc liên tục mọc lên như: Pico Plaza 15 tầng, Etown Tower 14 tầng, Etown Tower 12 tầng… Đường Nguyễn Văn Trỗi - tuyến đường huyết mạch từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TPHCM cũng có một số tòa nhà cao tầng đang xây dựng.
Với gần cả chục nghìn căn hộ đổ bộ vào một khu vực chật hẹp các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ước tính đã, đang và sẽ có khoảng gần 10.000 hộ dân di dời về khu vực này sinh sống. Nếu tính bình quân, mỗi hộ dân có 1 ôtô và 2 xe máy thì sẽ có thêm hàng chục nghìn phương tiện giao thông hàng ngày ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Có chuyên gia còn nhận định khi các dự án này lấp đầy dân cư và người thuê văn phòng thì đường Phổ Quang, Hồng Hà sẽ không có đủ chỗ đứng chứ đừng nói là đi, đồng thời cho rằng, việc cho phép xây dựng quá nhiều cao ốc bao quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang gây hệ lụy lên hạ tầng giao thông.
Còn theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện tại, phần lớn các dự án đang xây dựng mà những đường ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất đã tắc nghẽn rồi. Nếu những công trình trên đưa vào hoạt động kéo thêm nhiều người, xe đến khu vực này thì việc tắc nghẽn sẽ trầm trọng hơn. “Lãnh đạo thành phố cần quyết liệt không cấp phép mới cho những dự án cao ốc quanh sân bay. Cần có quy hoạch tổng thể để tính toán quy mô hạ tầng phù hợp mới cấp phép tiếp” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Ga Hà Nội là một địa điểm hay kẹt xe. Nếu xây các cao ốc xung quanh, tình trạng kẹt xe sẽ xảy ra trầm trọng hơn. Ảnh: TRẦN VƯƠNG
Nhìn đồ án ga Hà Nội, lo cho trung tâm thủ đô
Giống như sân bay Tân Sơn Nhất, các con đường “phủ” đầy chung cư cao tầng của Hà Nội như Lê Văn Lương, Linh Đàm… cũng đang kẹt cứng mỗi khi hàng chục nghìn người dân đổ ra đường trong những giờ cao điểm.
Thực trạng này là cơ sở khiến nhiều chuyên gia và người dân lo ngại khi nhìn tới đồ án “cao ốc hoá” ga Hà Nội với các tòa nhà 40-70 tầng.
Trong đồ án này, Hà Nội đề xuất giữ nguyên trạng nhà ga Hà Nội và dự kiến quy hoạch nhiều cao ốc cho dân số khoảng 44.000 người.
Tuy nhiên, với hơn 50 block với chiều cao từ 22m-200m trong quy hoạch, khu vực này có thể sẽ thu hút hơn 200.000 người, chưa kể tới hàng chục nghìn khách thăm quan, mua sắm mỗi ngày cũng như những người đến và đi tại khu vực ga Hà Nội - nơi sẽ trở thành điểm đến không chỉ của các tuyến đường sắt liên vận mà còn là điểm đến và đi của tuyến đường sắt đô thị.
Việc tập trung hàng trăm nghìn người tại khu vực này được nhận định có thể khiến khu vực này trở thành nút thắt giao thông khó giải.
Ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng, việc xây dựng ga Hà Nội như đồ án của UBND TP.Hà Nội sẽ phá hỏng định hướng quy hoạch và nhà cao tầng, trung tâm thương mại sẽ làm tăng lưu lượng dân cư khu vực này. “Hà Nội nói có thể sẽ kiểm soát để không làm tăng mật độ dân cư nhưng tôi không hiểu kiểm soát bằng cách nào? Phải nói rằng, cao ốc, trung tâm thương mại là khối nam châm hút người từ khu vực khác chứ không phải dân cư khu vực ga Hà Nội. Khi đó lấy đường đâu mà đi” - ông Chiến nói.
Bên cạnh đó, đồ án ga Hà Nội đang đi ngược lại chính Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP.Hà Nội do UBND TP ban hành ngày 7.4.2016. Quy chế này nêu rõ, không xây dựng công trình cao tầng ở khu vực Giải Phóng - Lê Duẩn, khu vực Văn Miếu và phụ cận. Việc đi ngược quy chế mới ban hành cũng gây lo ngại về việc phá vỡ cảnh quan, gây ảnh hưởng tới di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng là Văn Miếu đồng thời làm tăng dân số khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) từ 800.000 người lên 824.000 người.
Giao thông quanh khu vực ga Hà Nội thường xuyên kẹt cứng
Ghi nhận của PV Lao Động, hiện tại, các tuyến đường như Khâm Thiên, Lê Duẩn, Quốc Tử Giám… quanh khu vực Ga Hà Nội hiện nay đều trong tình trạng đông đúc, nhích từng bước một vào giờ cao điểm. Khu vực quanh ga Hà Nội hiện nay chưa quá nhiều cao ốc, trung tâm thương mại, hay các điểm giao dịch đông đúc dân cư nhưng tình trạng ùn tắc giao thông luôn diễn ra.
Nhiều người đặt câu hỏi nghi ngại về đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40 - 70 tầng và 3 khu thấp tầng. Quá nhiều cao ốc và tăng quy mô dân cư, mối lo lắng về ách tắc giao thông càng khiến nhiều người ngao ngán.
T.VƯƠNG
Khánh Hòa - Minh Quân (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.