Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2011 được coi là một năm cực kỳ khó khăn của ngành thép.
2 tháng đầu năm 2011, theo thông lệ, tiêu thụ thép sẽ giảm do các công trình xây dựng tạm dừng để công nhân xây dựng nghỉ Tết, nhưng do giá thép thế giới đang tăng mạnh, giá bán thép trong nước chưa tăng kịp với đà tăng giá nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới, nên các công ty thương mại vẫn tranh thủ nhập thép để chờ giá thép lên, nhằm thu lợi nhuận.
Cũng trong khoảng thời gian này, giá thép bắt đầu "phi mã" với mức tăng mỗi đợt khoảng 400 - 600 nghìn đồng/tấn. Hàng loạt các doanh nghiệp thép điều chỉnh tăng giá bán như Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên áp dụng mức giá thép bán ra tại nhà máy từ 15,75 triệu – 16,55 triệu đồng/tấn tùy loại (chưa có thuế).
Công ty thép Vina Kyoei Kyoei cũng điều chỉnh giá tăng 500.000 đồng/tấn, lên hơn 17 triệu đồng/tấn, Tổng công ty thép Việt Nam đã điều chỉnh giá bán tăng 600.000 đồng/tấn, lên khoảng 16,7 triệu – 16,9 triệu đồng/tấn, thép Pomina cũng tăng 400.000 đồng/tấn, lên hơn 17 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế). Đến khoảng giữa tháng 3, giá thép đứng ở mức 18 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
N ăm 2011 được coi là một năm cực kỳ khó khăn của ngành thép. Ảnh: Nguồn doanh nghiệp
Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, thị trường lại ghi nhận những diễn biến trái chiều khi Chính phủ ra Nghị quyết 11, tập trung mọi giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Trong đó có việc cắt giảm đầu tư công, đình chỉ 1 số dự án đầu tư không có hiệu quả ở tất cả các địa phương trong cả nước và nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động tài chính ngân hàng.
Vì vậy tiêu thụ thép cả nước trong tháng 3/2011 đã giảm hẳn so với tháng 2. Đó cũng là lý do khiến các công ty thương mại nhập thép chờ giá tăng, bắt buộc phải xả hàng, điều đó càng làm cho lượng tồn kho thép ở các công ty sản xuất thép trong nước tăng cao.
Sang tháng 4/2011, mặc dù sản xuất và tiêu thụ thép của cả nước có tăng so với tháng 3, nhưng vẫn chưa trở lại được mức bình thường.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm cắt giảm đầu tư công và hạn chế hoạt động cho vay phi sản xuất của các ngân hàng đã tạo ra những áp lực không nhỏ đối với nhu cầu thép xây dựng.
Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tính đến giữa tháng 9, lượng thép tồn kho lên tới 500 nghìn tấn. Chính vì nhu cầu thấp khiến hiệu suất hoạt động của nhiều nhà máy chỉ còn khoảng 40 - 45% công suất thiết kế, làm tăng chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm. Ngay cả các “ông lớn” trong ngành thép như VnSteel, Hòa Phát… cũng chỉ chạy có 80% công suất.
Ngoài ra, sự giảm giá của VND cũng tác động mạnh đến lợi nhuận, khi phần lớn khoản nợ của các công ty thép được tài trợ bằng ngoại tệ. Chi phí sử dụng vốn vay và các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, điện, lương nhân công... tăng, cũng góp phần đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Theo Bộ Công Thương, do sức tiêu thụ chậm, các doanh nghiệp trong ngành thép chỉ sản xuất cầm chừng khiến sản lượng sản xuất thép tính đến hết tháng 11/2011 đạt 6,44 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng thép tồn kho ở các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam tính đến hết tháng 11 lên đến 365.000 tấn, trong khi mức tồn kho bình quân hàng năm chỉ khoảng 250.000 tấn.
Giới trong ngành dự báo rằng, giá thép trong nước sẽ không giảm đáng kể ngay khi giá nguyên vật liệu đang giảm, vì những công ty sản xuất thép vẫn đang gánh chịu lượng hàng tồn kho giá cao và chi phí vốn chưa giảm.
Dự báo, xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2012, khi vấn đề nợ công của châu Âu chưa được giải quyết và bong bóng bất động sản của Trung Quốc “vỡ”. Như vậy, giá thép trong nước dao động ở khoảng 14,5 - 17 triệu đồng/tấn.