Báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, nhóm ngành Bất động sản có tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 73 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước), chiếm tỷ trọng 36%.

Ảnh minh hoạ.

Tính đến ngày 25/10, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 10 ước đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với tháng trước, toàn bộ đều là phát hành riêng lẻ.

Đa phần các đợt phát hành trong tháng đến từ nhóm Tài chính – Ngân hàng, chiếm hơn 53% tỷ trọng, lợi suất vào khoảng 5,8% - 8,6%. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Vinhomes là tổ chức phát hành giá trị lớn nhất trong tháng với 5000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12%, thời hạn 1,5-2 năm.

Lãi suất cao nhất trong tháng là ghi nhận 12,5% từ đợt chào bán 1000 tỷ đồng của CTCP Saigon Capital với giá trị phát hành lên tới 1 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động phát hành TPDN tích cực dần từ tháng 6, lũy kế 10 tháng, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% svck.

Lãi suất TPDN bình quân trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 8,7%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với gần 94 nghìn tỷ, (giảm 30% svck) chiếm tỷ trọng 47% so với tổng giá trị.

MBS cho rằng việc các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu trong quý 3/2023 nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 34% xuống 30%, áp dụng từ ngày 1/10/2023 theo Thông tư 08/2020.

Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu Ngân hàng là 6,8%/năm, kỳ hạn bình quân 4,5 năm. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: NHTMCP Á Châu (16,4 nghìn tỷ đồng), NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (14 nghìn tỷ đồng), NHTMCP Phương Đông (11,2 nghìn tỷ đồng).

Xếp sau là nhóm ngành Bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 73 nghìn tỷ đồng (tăng 10% svck), chiếm tỷ trọng 36%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản là 9,7%/năm, kỳ hạn bình quân là 3,6 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất gồm có: Công ty TNHH Capitaland Tower (12,2 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô Thị Hưng Yên (7,2 nghìn tỷ đồng), CTCP Vinhomes (trị giá 5 nghìn tỷ đồng).

Trong quý 3/2023, tổng giá trị mua lại trước hạn đạt gần 57 nghìn tỷ đồng, giảm 29% so với quý 2/2023 và giảm 6% svck.

Trong tháng 10, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 7 tỷ đồng, giảm 34% so với tháng trước).

Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 183.430 tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, tăng 18% svck, trong đó nhóm ngành ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng 47% tổng giá trị mua lại, nhóm ngành xây dựng và bất động sản lần lượt chiếm tỷ trọng 14% và 13%.

Tính đến ngày 25/10, đã có khoảng 99 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

MBS uớc tính tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 190 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.