Lãi suất huy động đang rục rịch tăng tại một số ngân hàng.
Vì sao lãi suất rục rịch tăng
Trước khi lãi suất liên NH tăng vào tuần trước, vào cuối tháng 6 và những ngày đầu tháng 7, nhiều NHTM lớn nhỏ rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm thậm chí có NH nâng lãi suất tới 2 lần. Không chỉ các NH nhỏ, trong đợt tăng lãi suất này, ngay cả NH lớn như Vietcombank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất cho các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng thêm 0,1%/năm.
Việc tăng lãi suất của các NH được các chuyên gia nhận định không quá bất ngờ. Bởi đây là thời điểm chuẩn bị vào mùa kinh doanh của DN. Các NH muốn bổ sung nguồn vốn dư dả cho kế hoạch tăng trưởng tín dụng. Thực tế, đã có những NH sử dụng gần hết room tín dụng và đang chờ ý kiến của NHNN về việc có cho phép được nới room hay không. Để chuẩn bị trước, họ đã chủ động huy động vốn.
Dĩ nhiên, muốn hút được vốn NH phải điều chỉnh lãi suất. Lãnh đạo một NHTMCP nhận định, trong đợt tăng lãi suất lần này các NH chủ yếu tăng kỳ hạn ngắn cho thấy họ chỉ muốn bổ sung nguồn vốn lưu động để phục vụ nhu cầu vốn phát sinh thêm từ nay đến cuối năm. Còn đối với vốn vay trung, dài hạn, các NH đã chuẩn bị khá kỹ từ đầu năm chứ không chờ đến giữa năm mới huy động vốn.
Mặc dù không khẳng định lãi suất sẽ tăng bao nhiêu % nhưng nhìn tổng thể, theo một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trong thời gian tới chắc chắn lãi suất NH sẽ chịu khá nhiều áp lực. Những yếu tố cơ bản tác động đến lãi suất từ đầu năm vị chuyên gia này đề cập tới như áp lực tỷ giá, kênh đầu tư tài chính bất động sản, chứng khoán có dấu hiệu phục hồi, Chính phủ tăng phát hành trái phiếu… thì đến thời điểm này lại bổ sung thêm nhân tố tiềm ẩn lạm phát và vàng.
Còn sức ép
TS Cấn Văn Lực khẳng định, sức ép lãi suất tăng trong thời gian tới là có nhưng không lớn. Lạm phát thường là yếu tố tạo sức ép lên lãi suất đang được Chính phủ quyết tâm kiềm chế ở mức 5%. Như vậy, với mức lãi suất kỳ hạn ngắn phổ biến trên 5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng dao động 6,4-7,2%/năm vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho khách hàng. Thực tế, 6 tháng đầu năm huy động vốn NH tăng hơn 8% cho thấy kênh tiết kiệm vẫn khá hấp dẫn người gửi tiền.
Hơn nữa, lãi suất huy động tăng ở một vài NH không phải là tất cả. Nhất là Chính phủ, NHNN tiếp tục yêu cầu các NH phải ổn định mặt bằng lãi suất hỗ trợ DN duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, các NH phải giữ trạng thái lãi suất hiện tại, thậm chí có NH đang áp dụng lãi suất cho vay cao phải giảm thêm từ việc cắt giảm chi phí.
"Diễn biến giảm nhẹ trở lại của lãi suất liên NH, chưa kể giao dịch qua thị trường cũng sụt giảm cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang khá tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để các NHTM giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động”, ông Lực nói.
Còn theo một thành viên hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, “trong khi Chính phủ vẫn muốn giảm lãi suất xuống. Đây thực sự là bài toán khó đối với các NH”, vị này tỏ ra lo lắng. Vì thế ông đề xuất, cần cân nhắc mục tiêu ổn định hay tăng trưởng để không làm “khó” cho NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ. Nếu tăng trưởng ắt NH phải tăng cung tín dụng tạo áp lực lên lạm phát, chưa kể lãi suất cũng sẽ tăng hơn. Còn nếu Chính phủ chủ trương giữ ổn định thì tình thế ngược lại.
Một số chuyên gia bày cách giữ ổn định mặt bằng lãi suất đó là phải xử lý nợ xấu ráo riết. Khi NH tiết giảm chi phí trích lập DPRR chắc chắn có điều kiện để giảm lãi suất. Ngoài ra, các vị chuyên gia trên đề xuất NHNN điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi USD để giúp NH huy động được thêm nguồn ngoại tệ này một cách ổn định hơn, giảm áp lực tỷ giá.
Bởi NHNN đã quay trở lại cho phép các NH cho vay ngoại tệ DN tức là cầu tín dụng ngoại tệ đang tăng. Trong khi cung lại đang gặp khó với chính sách lãi suất 0%/năm. Nguồn ngoại tệ khách hàng để lại NH chủ yếu là không kỳ hạn. Nên NH cũng không dám sử dụng nhiều phòng trường hợp khách hàng rút vốn bất ngờ không xoay kịp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức lãi suất USD ở mức nào cũng được các chuyên gia khuyến nghị là phải đảm bảo người dân giữ tiền VND có lợi hơn USD, tránh tạo tâm lý găm giữ, đầu cơ.
Chạy đua giữ chân khách Tại VietinBank, Tổng giám đốc Lê Đức Thọ cho biết, khách hàng tốt, vay vốn lưu động NH chỉ ở mức 5-6%/năm, còn trung, dài hạn chỉ cỡ 7-8%/năm. Còn với NHTMCP quy mô nhỏ hơn chắc chắn đây lại là điểm trừ đối với họ. Song, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt đương nhiên các NH nhỏ không thể đứng nhìn khách hàng của mình chạy sang NH khác. Lãnh đạo một NH nhỏ cho biết, nếu để cạnh tranh bằng lãi suất để lôi kéo khách hàng thì không thể. Nhưng để giữ chân khách bằng chất lượng dịch vụ thì hoàn toàn có thể. Mặt khác, khách hàng tốt vẫn được vay với lãi suất rất hợp lý. Như tại NH này, lãi suất vay ngắn hạn ở mức 8 – 8,5%/năm, còn trung, dài hạn 9 – 9,5%/năm |