23/08/2016 7:53 AM
Hà Nội đều có chỉ đạo kiểm tra những ngôi nhà nguy hiểm, nhưng sau rà soát là giải pháp gì, xử lý cụ thể ra sao thì câu trả lời còn bỏ ngỏ.

Nhiều người dân Hà Nội đang phải sống phấp phỏng, nơm nớp lo sợ vì những ngôi nhà nghiêng, sụt lún, xuống cấp, các công trình nhà cổ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là mỗi khi mưa bão.

Đây không phải là vấn đề mới, nhưng nhiều năm qua việc giải quyết, xử lý đối với các ngôi nhà nguy hiểm vẫn chuyển biến chậm chạp. Sau vụ sập một biệt thự ở phố Trần Hưng Đạo, mới đây là sập nhà ở phố Cửa Bắc, Hà Nội đều có chỉ đạo kiểm tra, rà soát, nhưng sau rà soát là giải pháp gì, xử lý cụ thể ra sao thì câu trả lời còn bỏ ngỏ.


Hiện trường vụ sập nhà ở phố Cửa Bắc (Ảnh: Thu Thủy)

Nỗi sợ hãi từ ngôi nhà nghiêng

Sau bão số 3, Hà Nội liên tục đón những trận mưa lớn khiến cho những hộ dân sống cạnh ngôi nhà nghiêng số 177, ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thêm hoang mang tột độ. Hiện ngôi nhà này đã bị nghiêng 65cm, nhìn bằng mắt thường cũng thấy 4 tầng nhà chỉ chực đổ sập. Vì thế, đã nhiều năm nay, mỗi khi nghe dự báo có mưa to, bão lớn là các gia đình sống cạnh ngôi nhà nghiêng này lại phải di tản đi ở nhờ, ở thuê.

Bà Phạm Thị Sen, ở nhà số 161, chỉ cách nhà nghiêng 1 con ngõ nhỏ cho biết, sau mỗi trận mưa, bà lại quan sát thấy ngôi nhà nghiêng ngả thêm về phía nhà mình. Bà Sen chua xót: Sống giữa thủ đô mà luôn phải chuẩn bị tinh thần “sơ tán” để bảo toàn tính mạng, vì chẳng ai dự báo trước là ngôi nhà kia sẽ đổ sập lúc nào.

Thực tế là người dân phát hiện ngôi nhà có xu hướng đổ nghiêng này gần chục năm nay, chủ nhà đã phải “bỏ của chạy lấy người”, chuyển đi ở thuê từ năm 2012. Bên cạnh ngôi nhà nghiêng là 3 ngôi nhà cùng cao 4 tầng số 179, 181, 183 nằm liền kề nhau, được xây dựng chung móng, thậm chí chung cột, chung tường, nên việc giải quyết cần có sự đồng thuận của các chủ hộ.

Theo phản ánh của người dân, trước đây chủ 4 ngôi nhà nguy hiểm đã đồng ý để di dời, tháo dỡ, xử lý, nhưng chính quyền địa phương lại chậm trễ, không làm quyết liệt. Đến đầu năm nay, chủ nhà số 181 đem bán ngôi nhà này. Hiện chủ nhà mới của nhà số 181 chưa đồng thuận việc tháo dỡ, vì cho rằng nhà của mình không nguy hiểm.

Người dân sốt ruột, hết đưa đơn lên chính quyền lại kiến nghị có giải pháp trước mắt như dỡ 2 tầng của 2 ngôi nhà số 177 và 179 để đảm bảo an toàn. Nhưng sau nhiều năm, việc xử lý nhà nguy hiểm vẫn giẫm chân tại chỗ.

Mới đây, khi báo chí liên tục phản ánh về tình trạng “chờ sập” của nhà nghiêng, chính quyền quận Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa mới xúc tiến kiểm tra, làm rào chắn, treo biển cảnh báo nguy hiểm và mời đơn vị thẩm định chất lượng…

Ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, cái khó của chính quyền là còn một hộ gia đình chưa đồng thuận với việc tháo dỡ công trình nguy hiểm do họ vừa mua lại ngôi nhà này.

Ông Phạm Việt Cừ nói: “Hiện nay, UBND phường đã mời đơn vị thẩm định độ nghiêng lún, mức độ nguy hiểm của 4 ngôi nhà. Trong quá trình chờ kết quả thẩm định thì UBND phường tiếp tục vận động các hộ dân. Đối với những công trình nhà riêng lẻ có móng riêng thì xử lý sẽ dễ; nhưng với nhà 177, 179 chung móng chung cột; nhà 181, 183 chung móng, chung cột, chung cả tường nên khi dỡ ra sẽ bị ảnh hưởng. Để đảm bảo an toàn thì vẫn phải vận động cả 4 hộ để dỡ hết. Đấy chính là cái khó hiện nay”.

Vừa qua, UBND quận Đống Đa đã có văn bản yêu cầu di dời các hộ dân ở 4 ngôi nhà này, tuy nhiên đến nay việc di dời vẫn chưa được thực hiện. Vụ sập biệt thự cổ trên phố Trần Hưng Đạo và sập nhà phố Cửa Bắc là những bài học nhãn tiền cho Hà Nội, cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của nhiều công trình, nhất là các công trình cổ, xuống cấp, có hiện tượng nghiêng, lún, sụt…

Tuy nhiên, chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý đều đưa ra những khó khăn, phức tạp do nhiều chủ sở hữu trong một công trình, điển hình là các ngôi nhà tại khu vực phố cổ.

Vẫn điệp khúc “rà soát”

Ông Đặng Ngọc Tiến, Phó Trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, hiện khu vực phố cổ có khoảng 180 nhà có dấu hiệu nguy hiểm, xuống cấp. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội trong văn bản ngày 5/8 vừa qua về kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn thành phố, hiện chính quyền các phường và Ban quản lý phố cổ đang tiến hành các bước rà soát, kiểm tra, đánh giá.

Giải pháp mà các cơ quan chức năng đưa ra vẫn là điệp khúc “sẽ rà soát” lại các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, xuống cấp. Sau vụ sập nhà nào cũng có bước rà soát, nhưng kết quả rà soát chẳng thấy đâu, cũng chưa thấy có công trình nào được xử lý dứt điểm sau mỗi cuộc rà soát này.

GS. Trần Chủng, nguyên Ủy viên thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nhận định, vấn đề nhà nguy hiểm không phải là bài toán mới ở Hà Nội, nhưng tồn tại nhiều năm chưa có biện pháp xử lý là do các cấp chính quyền chưa thực sự vào cuộc và quan tâm thích đáng.

Sự chưa quyết liệt thể hiện ở chỗ, chính quyền chưa quan tâm đến việc xây dựng quy trình bao gồm từ công tác khảo sát đến thiết kế, thi công các công trình xây chen ở đô thị. Mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo nhiều lần nhưng chuyển biến trong thực tiễn rất chậm. Hà Nội cũng chưa xử lý được công trình mẫu nào để tạo được niềm tin cho nhân dân.

Giáo sư Trần Chủng nói: “Luật Xây dựng 2014 đã quy định, chính quyền có thể can thiệp để ngừng khai thác các công trình có nguy cơ dẫn đến sập đổ ảnh hưởng đến sinh mạng và tài sản của người dân ở ngôi nhà đó và những ngôi nhà lân cận. Vậy chính quyền thành phố phải có biện pháp. Ở những công trình nguy hiểm thì phải có biện pháp di dời, thậm chí dừng khai thác. Như ở một số quốc gia tiên tiến người ta phong tỏa luôn công trình đó, cắt điện, cắt nước. Làm việc đó quyết liệt thì không phải vì chính quyền mà là nghĩa vụ của chính quyền, trách nhiệm phải bảo vệ người dân. Còn nếu không coi trọng những vấn đề liên quan đến công tác xây chen này thì tiếp tục chúng ta sẽ còn phải trả giá”.

Trong khi vẫn phải chờ đợi việc rà soát, kiểm tra, đánh giá cũng như những giải pháp của các cơ quan liên quan, thì việc sập đổ của các công trình nhà nguy hiểm là không báo trước, vẫn rình rập, đe dọa tính mạng người dân./.

Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.