Hơn hai thập kỷ trước, Chính phủ phê duyệt bán đảo Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM là Khu đô thị mới sầm uất. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, giữa người dân và chính quyền TPHCM mâu thuẫn về giá đền bù, thu hồi đất không đúng quy hoạch.

Ông Lê Văn Hạnh (76 tuổi), hàng chục năm vác đơn kiện đòi 7,5 ha đất của gia tộc.

Nơi an cư của hàng nghìn hộ dân ở Thủ Thiêm nay là những đại công trường. Hàng nghìn người bị đẩy vào khốn khó. Hàng chục năm vác đơn đi đòi đất, có người bỏ ăn, bỏ việc chỉ để chờ “lời hứa” của chính quyền. Chờ đợi quá lâu, nhiều người tứ tán khắp nơi nhưng họ vẫn quay lại mảnh đất cha ông thắp nén hương…

Trong ngôi nhà nhỏ trong ở con hẻm 518 Trần Hưng Đạo, P.14, Q.5, ông Lê Văn Hạnh (76 tuổi) lần giở những tập đơn kiện đã hoen vàng, nghẹn ngào: “Gia tộc tôi có gần 7,5ha đất ở xã An Khánh, Q.Thủ Đức (nay là P. Bình Khánh, Q.2). Tôi đang giữ mọi giấy tờ, bằng khoán có liên quan đến mảnh đất này nhưng không được xem xét cấp giấy chứng nhận. Trong khi những người khác đến sống trên đất của tôi, không một giấy tờ lận lưng và đang bị tranh chấp thì được cấp sổ đỏ”.

Người dân Thủ Thiêm chứng minh phần đất của mình nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn bị cưỡng chế

Theo lời ông Hạnh, gia tộc có 14 anh em được cha mẹ giao phần đất gần 7,5 ha để canh tác, sinh sống. Năm 1973, Tổng cục Gia cư chế độ cũ trưng thu diện tích hơn 4,7ha. Sau năm 1975, ông Lê Văn Thừa (em ông Hạnh) trực tiếp canh tác 5,5ha trong số 7,5ha đất trên. Đến năm 1978, số đất này do xã đưa vào Tập đoàn và điều chỉnh giao khoán cho các hộ dân địa phương canh tác, trong đó có ông Lê Văn Thừa được giao khoán hơn 3ha. “Điều này chứng tỏ trước và sau năm 1975, gia tộc tôi vẫn trực canh trên khu đất.

Thế nhưng từ năm 1992 khi tôi khiếu nại đòi đất cho gia tộc thì UBND Q.2, UBND TPHCM bác đơn kiện vì cho rằng tôi “không trực canh”. Nhưng tôi đang đòi đất cho gia tộc chứ không phải cho cá nhân tôi nên kết luận này hết sức vô lý” – ông Hạnh bức xúc.

Một góc KĐT Thủ Thiêm. Ảnh: PV.

Không đồng tình với quyết định này, ông Hạnh lại vác đơn, gõ cửa chính quyền. Trong thời gian này, ông Hạnh phát hiện nhiều sự thật phũ phàng là khu đất gia tộc mà ông đang đi đòi bị nhiều người khác đến chiếm dụng, mua bán qua lại bằng giấy tay. Trong đó có ông Lê Thái Hòa, nguyên Bí thư xã An Khánh (cũ) và nhiều người khác còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi thực hiện dự án KĐT Thủ Thiêm, UBND Q.2 có quyết định bồi thường cho ông Hạnh 200 triệu đồng cho 7,5ha đất. Do ông Hạnh không đủ điều kiện tái định cư nên không được xem xét. Quá bức xúc, ông Hạnh không đồng ý nhận bồi thường và tiếp tục khiếu nại từ đó đến nay.

Hơn 30 năm vác đơn kiện, được Thủ tướng Chính phủ 8 lần chỉ đạo giải quyết. Vậy mà đến thời điểm này, ở cái tuổi “gần đất xa trời”, ông Hạnh vẫn được cơ quan chức năng trả lời là...phải chờ. “Gia tộc chúng tôi quá đông anh em, đến giờ qua đời gần phân nửa, bản thân tôi cũng không biết sống chết lúc nào trong khi mồ mả ông bà vẫn còn nằm nguyên trên đất ở Thủ Thiêm (Q.2). Vậy tôi phải chờ đến bao giờ đây” – ông Lê Văn Hạnh đặt câu hỏi trong vô vọng.

Đất ngoài quy hoạch vẫn bị thu hồi?

Dù không còn ở trên mảnh đất “cắm dùi của mình ở P.Bình An (Q.2) nữa nhưng chưa bao giờ ông Lâm Minh Nghĩa (45 tuổi) thôi ý định đòi lại công lý. Gần chục năm qua, ông bỏ vợ bỏ con để đi tìm lời giải cho căn nhà “nằm ngoài dự án” của mình.

“Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/2.000 và 1/5.000 đều chứng minh nhà tôi nằm ngoài khu quy hoạch nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn bắt nhà tôi phải di dời. Không chấp nhận, gia đình tôi bị cưỡng chế đập nhà. Thương các con nhỏ, vợ chồng dắt díu nhau về nhà ngoại ở Bình Chánh tá túc” – ông Nghĩa cho hay.

Còn khoảng 60 hộ dân không di dời, ở trên bán đảo Thủ Thiêm (Ảnh: Đường vào khu ở tạm của dân lầy lội khi mùa mưa đến).

Trước đó, ông Nghĩa có việc làm ổn định trong xí nghiệp gia công bao bì. Sau khi xảy ra vụ việc, ông bỏ việc để tập trung khiếu kiện, chứng minh nhà mình nằm ngoài quy hoạch dự án. Gần 100 lần ra Hà Nội gửi đơn, làm việc với ban tiếp dân Trung ương, chi phí đi lại vay mượn gia đình, bạn bè đến cả trăm triệu đồng.

Theo ông Nghĩa, căn nhà 70m2 này được tích cóp tiền bạc, vay mượn cha mẹ để mua, có giấy tờ, sổ đỏ đàng hoàng. Năm 2000, chính quyền đòi thu hồi, đền bù với giá chỉ hơn trăm triệu. “Đau lắm nhưng không biết làm cách nào, mình chỉ còn cách đi đòi lại công lý.

Nhưng người dân “thấp cổ bé họng” gõ cửa nào, đóng cửa đó. Hàng chục năm qua rồi chứ ít gì. Nhiều hộ dân chuyển đi nơi khác nhưng vẫn liên tục làm đơn cầu cứu Chính phủ. Không ai cam lòng với việc quy hoạch, giá đền bù rẻ bèo như vậy được. Có nhà chính quyền đền bù với giá 2 triệu đồng/m2 nhưng sau đó đất được bán với giá 200 triệu đồng/m2” – ông Nghĩa bức xúc.

Vợ chồng chị Vũ Thị Bình (36 tuổi) đã 6 năm nay sống nhờ nhà bà con ở H.Củ Chi kể phải gửi hai con cho ông bà ngoại trông, rồi chạy ngược chạy xuôi khiếu kiện. Chồng chị là bộ đội vừa nghỉ hưu, liên tục cùng nhiều người ra Hà Nội gõ cửa các cơ quan trung ương kêu cứu. “Gia đình tôi có hai căn nhà trên mảnh đất nông nghiệp rộng gần 2ha, với diện tích này được đền bù khoảng 2 tỷ đồng nhưng khi bị cưỡng chế vợ chồng tôi không nhận tiền. Đây là đất hương hỏa ông bà để lại, bản chất nó cũng không nằm trong quy hoạch Thủ Thiêm thì cớ sao phải giải tỏa. Chúng tôi và nhiều người dân khác sẽ khiếu kiện đến cùng” – chị Vũ Thị Bình khẳng định.

“Gia đình tôi có hai căn nhà trên mảnh đất nông nghiệp rộng gần 2ha, với diện tích này được đền bù khoảng 2 tỷ đồng nhưng khi bị cưỡng chế vợ chồng tôi không nhận tiền. Đây là đất hương hỏa ông bà để lại, bản chất nó cũng không nằm trong quy hoạch Thủ Thiêm thì cớ sao phải giải tỏa. Chúng tôi và nhiều người dân khác sẽ khiếu kiện đến cùng”.

Chị Vũ Thị Bình

Đình Du - Uyên Phương (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.