20/10/2014 1:50 PM
"Xã đã tuyên truyền cho dân rồi, thậm chí mời đến UBND xã để làm việc với dân nhưng họ nói dứt khoát là họ trả lại nhà cho xã”.

Để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư cho đồng bào dân tộc huyện miền núi Đakrông. Tuy nhiên, do các khu tái định cư (TĐC) không đáp ứng cuộc sống của bà con nên nhiều người đành quay về nơi ở cũ.


Một góc khu TĐC Pi Rao

Năm 2012, sau khi huyện bàn giao Khu tái định cư Pi Rao, gia đình bà Hồ Thị Hơn, ở thôn A Roang, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị dọn về nơi ở mới. Sau 2 năm đối mặt với khó khăn, thiếu thốn trăm bề, bà Hơn dự định quay về lại nơi ở cũ để làm ăn. “Một số hộ dân đã chuyển về chỗ cũ vì ở đây thiếu thốn nước nên họ không ở lại. Với lại mỗi lần về sinh hoạt thôn ở bên nhà quá xa, về chỗ cũ tiện hơn”.

Dự án định canh định cư thôn Pi Rao xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị được đầu tư hơn 9 tỷ đồng, nhằm ổn định cuộc sống cho 70 hộ đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, không có nước sinh hoạt, trường học thì không có học sinh, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, chỉ có 42 hộ “ bám trụ” tại đây, 28 hộ bỏ về nơi ở cũ. Trong khi đó, khu TĐC Ka Lu-Chân Rò, xã Đakrông, huyện Đakrông quy hoạch cho 70 hộ dân đến ở, nhưng hiện nay chỉ mới xây dựng 30 ngôi nhà.

Ông Hồ Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết, do không nắm bắt được nhu cầu thực tế của bà con nên nhiều người không đồng tình với mô hình nhà ở, đất sản xuất tại khu tái định cư này. Chính vì vậy mà địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi đất: “Thực hiện Dự án Khu tái định cư, bất cập là chưa khảo sát đất đai. Sau khi đã xây dựng nhà đó rồi nhưng hiện nay dân không có đất sản xuất, cho nên dân không thể vào ở được. Nhu cầu của dân là trả lại nhà cho xã để xã tuyển chọn người khác. Xã đã tuyên truyền cho dân rồi, thậm chí mời đến UBND xã để làm việc với dân nhưng họ nói dứt khoát là họ trả lại nhà cho xã”.

Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, trước mắt, huyện đầu tư xây dựng mô hình giếng đào trị giá khoảng 300 triệu đồng/giếng để cung cấp nước sạch cho bà con. Về lâu dài sẽ hoàn thiện dần cơ sở vật chất để vận động bà con đến ở, tránh lãng phí vốn đầu tư.

“Hiện nay ở A Ngo bà con đã đến ở rồi, chúng tôi cũng đã làm thủ tục để Sở Nội vụ thẩm định để trình lên cho tỉnh thành lập 1 đơn vị mới, còn đối với Đakrông chúng tôi đã cho rà soát tất cả đất sản xuất ở đó để tiến hành họp hộ gia đình để thống nhất lại, chia đất sản xuất cho bà con để bà con ổn định”, bà Cúc cho biết./.

Bá Thuần (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.