Đại lộ Thăng Long được xây dựng với nhiều kỳ vọng về một vùng đô thị sầm uất phía Tây Hà Nội, nhưng sau gần 1 năm thông xe, nhiều dự án bất động sản hai bên Đại lộ vẫn im lìm.

Nhiều tai tiếng nhất trong số các dự án nằm im lìm hai bên Đại lộ Thăng Long hiện nay phải kể đến Dự án chung cư Diamond Tower của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC.

Khu đất xây dựng Dự án nằm trong khuôn khổ Dự án Khu đô thị Nam An Khánh với quy mô rộng 28.000 m2. Công trình được chủ đầu tư giới thiệu gồm 5 tòa nhà cao 40 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 353.153 m2.

Dự án Diamond Tower ban đầu do Công ty cổ phần Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Land) làm chủ đầu tư, sau đó PVFC Land chuyển nhượng cho Công ty Đầu tư xây lắp Dầu khí Imico. Đến cuối năm 2010, Imico tiếp tục chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC.

Vinaconex PVC cũng nhiều lần thông tin sẽ khởi công vào quý I, hoặc đầu quý II/2011, nhưng đến thời điểm này (ngày 14/6/2011), Dự án vẫn im lìm.

Tấm biển Dự án Diamond Tower cũng đã được chủ đầu tư cho người tháo dỡ, bên ngoài chỉ còn dòng chữ “Công ty cổ phần Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam thu xếp vốn cho dự án này”.

Ngay cạnh Diamond Tower còn một dự án khác cũng nằm “đắp chiếu”. Đó là Khu hỗn hợp nhà ở - thương mại - dịch vụ Phúc Hà City Garden của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (IPACO).

Khu đất có tổng diện tích 31.934 m2, bao gồm các chức năng căn hộ cao cấp, trung tâm mua sắm và văn phòng hạng A dành cho các tập đoàn tài chính, ngân hàng với chiều cao công trình trung bình 30 tầng. IPACO kêu gọi các đối tác góp vốn xây dựng Dự án từ đầu năm 2010, nhưng đến nay, Phúc Hà City Garden vẫn là bãi cỏ um tùm.

Đối diện Khu đô thị Nam An Khánh là Dự án Khu đô thị Splendora của Liên danh Vinaconex và Posco E&C cũng đang trong tình trạng thi công dang dở. Nhiều khu vực của “siêu dự án” rộng hơn 260 ha này cũng đang trong tình trạng bỏ hoang.

Hơn 1 năm về trước, những ai muốn sở hữu 1 nền đất liền kề tại Dự án Khu đô thị Bắc An Khánh, phải trả tiền chênh lệch cho người bán 800 triệu - 1,2 tỷ đồng và để có một nền đất biệt thự, khách hàng phải trả chênh lệch 1,8 - 2,2 tỷ đồng.

Với các dự án bên cạnh như: Xuân Phương, Nam An Khánh, Vân Canh, … Giá đất cũng dao động 25 - 45 triệu đồng/m2, nhưng đến thời điểm này, hầu như không có giao dịch. Trên các trang rao vặt, nhiều nhà đầu tư thứ cấp chấp nhận giảm giá 10 - 20% để đẩy hàng.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, chỉ tính riêng khu vực từ đường Vành đai 2 đến Vành đai sông Nhuệ, có tổng cộng 744 dự án, đồ án nằm trong diện phải rà soát quy hoạch. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thực hiện 244 dự án, đồ án với diện tích chiếm đất khoảng 10.000 ha.

Những địa bàn có số đồ án quy hoạch lớn như huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, mỗi địa phương đều có hàng trăm dự án bất động sản, trong đó chủ yếu là dự án nhà ở, khu đô thị. Trong số này, có thể kể đến những dự án có diện tích chiếm đất rất lớn, như Dự án Khu đô thị Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) 420 ha, Khu đô thị Bình Yên (huyện Thạch Thất) 211 ha, Khu đô thị Tuần Châu (huyện Quốc Oai) gần 200 ha, Khu đô thị Điện lực Dầu khí (huyện Thạch Thất) 196 ha, Khu du lịch sinh thái Cổ Đông (Ba Vì) 180 ha, Khu đô thị Vincon (huyện Hoài Đức) 150 ha. Các dự án này chưa có hạng mục nào được triển khai, nhiều dự án thậm chí chưa giải phóng mặt bằng, dù được cấp phép đầu tư từ các năm 2008 – 2009.


Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0