25/09/2015 10:45 AM
Nhiều dự án nông lâm nghiệp thuê đất rừng ở Đắk Lắk có những vi phạm, chậm tiến độ, nhưng việc xử lý vẫn chưa dứt điểm.
Đất rừng của nhiều dự án nông lâm nghiệp bị lấn chiếm, xâm canh - Ảnh: Trung Chuyên
Mất nhiều rừng
Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 35 dự án trồng rừng, cải tạo, quản lý, bảo vệ rừng, dự án nông lâm nghiệp khác có tổng diện tích thực hiện gần 30.700 ha. Hiện có 29 dự án đã được phép triển khai, trong đó 24 dự án có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Đắk Lắk với tổng diện tích 17.520 ha.
Tính đến tháng 9, các dự án trên đã trồng được 7.825 ha rừng kinh tế, cây ăn quả; hơn 7.700 ha cao su, tổng vốn đầu tư hơn 1.135 tỉ đồng, thu hút sử dụng hơn 3.300 lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, việc triển khai thực hiện ở nhiều dự án còn xảy ra sai phạm, mất đất, mất rừng. Đáng chú ý có 1 dự án không thể triển khai, 6 dự án chưa triển khai được do nhiều vướng mắc về thủ tục, đất vùng dự án bị lấn chiếm… Ông Lê Cước, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, cho biết tình trạng chặt phá, bao chiếm đất rừng diễn biến rất phức tạp tại một số dự án. Kết quả kiểm tra mới đây ở H.Ea Súp cho thấy sau khi các DN thuê đất trên địa bàn, có hơn 200 ha rừng bị phá, 417 ha rừng bị lấn chiếm. DN bị lấn chiếm diện tích lớn nhất là Công ty TNHH Gia Huy: 349 ha.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, nhiều dự án không hiệu quả do bất cập trong quản lý. Dự án của Công ty CP Đầu tư xây dựng Tân Phú Hưng tại xã Ea Sol, H.Ea Hleo, được cấp phép trồng gần 372 ha cao su từ tháng 4.2011 nhưng qua kiểm kê trong vùng dự án chỉ còn 26 ha cao su, hầu hết diện tích còn lại bị xâm canh. Dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Anh Quốc tại xã Cư Mlan, H.Ea Súp, tuy trồng được 100 ha cao su nhưng phần lớn bị cháy và chết do ngập úng, chỉ còn 30 ha sinh trưởng kém. Công ty TNHH Hoàng Nguyễn thuê 438 ha đất ở H.Ea Hleo, trong đó quy hoạch trồng cao su 302 ha, nhưng chỉ trồng được 90 ha cao su, trong đó 32 ha bị chết, diện tích còn lại sinh trưởng kém; có 50 ha rừng do công ty quản lý, bảo vệ đã bị phá, xâm canh…
Xử lý “giơ cao đánh khẽ”?
Cuối năm 2014, trước những vi phạm của nhiều dự án nông lâm nghiệp, Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương 2 dự án, thu hồi đất 6 dự án, đề nghị xử lý vi phạm hành chính 1 dự án, chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền 4 dự án…
Đến nay, Sở TN-MT Đắk Lắk đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do sử dụng đất không đúng mục đích đối với Công ty TNHH thương mại và sản xuất Lộc Phát trên 48 ha trong dự án trồng rừng tại xã Ea Hiao, H.Ea Hleo và Công ty TNHH Phúc Nguyên trên 150 ha trong dự án trồng cao su và rừng nguyên liệu ở xã Cư Ea Lang, H.Ea Kar; buộc các DN này khắc phục theo hướng dự án đã được phê duyệt. Trong nhóm dự án có sai phạm còn có 3 dự án cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Ea Súp của các đơn vị: Công ty TNHH 27-7, Công ty CP Bảo Ngọc và Công ty CP xây dựng - thương mại Đại Hưng. Theo ông Lê Cước, các dự án này đã được UBND tỉnh giao cho cơ quan điều tra làm rõ từ đầu năm nhưng đến nay chưa có kết luận nên các ngành chức năng chưa có căn cứ xử lý.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, cho biết hiện chưa thể triển khai thu hồi đất đối với 6 dự án vi phạm mà ngành NN-PTNT đề xuất thu hồi. Theo ông Hưng, việc chưa thu hồi không phải các ngành chức năng “giơ cao đánh khẽ” mà thực hiện theo chủ trương của tỉnh cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 1.7.2016. “Việc gia hạn này căn cứ vào những quy định của nhà nước, nếu hết thời gian gia hạn mà chủ đầu tư không thực hiện dự án thì tỉnh sẽ thu hồi đất, không bồi thường về đất và tài sản gắn liền trên đất”, ông Hưng cho hay.
  • Vướng mắc ở dự án Làng thanh niên lập nghiệp

    Vướng mắc ở dự án Làng thanh niên lập nghiệp

    Việc bố trí dân cư ở Làng thanh niên lập nghiệp Đắk Nông gặp nhiều vướng mắc do đất quy hoạch của dự án bị lấn chiếm trong nhiều năm qua.

  • Hàng trăm héc-ta đất rừng bị phù phép thành biệt thự

    Hàng trăm héc-ta đất rừng bị phù phép thành biệt thự

    Có rất nhiều biệt thự nguy nga ngang nhiên “mọc” lên trên đất nông, lâm trường. Tuy nhiên, câu trả lời từ những người có trách nhiệm tại phiên giải trình về vấn đề này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tiến hành là khá yếu ớt.

  • Vụ biến đất rừng thành khu du lịch: Sai phạm kéo dài

    Vụ biến đất rừng thành khu du lịch: Sai phạm kéo dài

    Chỉ mới được cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất lâu năm cùng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khu du lịch (KDL)sinh thái và có một vài chủ trương từ cấp huyện, chủ đầu tư KDL sinh thái Ngầm Đôi đã xây dựng nhà, đường sá trên đất rừng từ năm 2010 đến nay.

Trung Chuyên (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.