06/07/2018 5:33 PM
CafeLand- HĐND TP. Hà Nội thống nhất danh sách bổ sung 490 dự án thu hồi đất năm 2018 với diện tích đất dự kiến thu hồi là 1.614ha. Trong số đó có 151 dự án vốn ngân sách và 81 dự án vốn ngoài ngân sách với diện tích 826,23ha.

Thu hồi đất 1 dự án BT quy mô lớn

Chiều 5/7, được sự tán thành của 100% đại biểu có mặt, HĐND TP. Hà Nội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2018; Danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ trên địa bàn thành phố năm 2018.

Theo đó, HĐND TP thống nhất danh sách bổ sung 490 dự án thu hồi đất năm 2018 với diện tích đất dự kiến thu hồi là 1.614ha. Trong đó có 151 dự án vốn ngân sách với diện tích 202,23ha; 258 dự án dân sinh bức xúc, trọng điểm với diện tích 586,17ha; và 81 dự án vốn ngoài ngân sách với diện tích 826,23ha.

Đặc biệt nhất trong 81 dự án vốn ngoài ngân sách bị bổ sung thu hồi đất có dự án xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 theo hình thức hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.469 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn huy động hợp pháp khác.

Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được Hà Nội dự kiến thanh toán cho quỹ đất là khu chức năng đô thị sinh thái Tân Lập, huyện Đan Phượng có diện tích khoảng 48 ha, nằm trong quy hoạch phân khu S1.

Một số dự án khác trong số 81 dự án vốn ngoài ngân sách bị bổ sung thu hồi đất bao gồm: dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng và các tuyến ống Công ty CP nước mặt sông Hồng; Khu chức năng đô thị tại xã Tân Hội, xã Liên Trung, xã Tân Lập, xã Liên Hà huyện Đan Phượng - Green City diện tích 133,44ha; Khu đô thị Nhịp sống mới - NewStyle City thuộc khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập diện tích khoảng 42,3ha; Khu biệt thự Orange Garden Công ty CP Vinapol diện tích khoảng 7,91ha; Khu chức năng đô thị Nam Đại Lộ Thăng Long với tổng diện tích khoảng 74,23ha.

Dự án khu vui chơi thể thao, kết hợp vườn hoa cây cảnh tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm; Dự án Khu thương mại, dịch vụ văn hóa tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm tại ô quy hoạch ký hiệu K5-HC1 thuộc quy hoạch chi tiết khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm…

Đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Internet

Người đứng đầu TP có quyền quyết định giá trị thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT

Cũng trong chiều 5/7, 95,1% đại biểu đã tán thành thông qua Nghị quyết về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Hà Nội. Đáng chú ý, Nghị quyết quy định về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trình một số lĩnh vực như kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố có quyền quyết định bán đấu giá hoặc sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT.

Chủ tịch UBND thành phố cũng là người có quyền ra quyết định thu hồi, bán cũng như điều chuyển tài sản là nhà, đất là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất, ôtô và các tài sản khác đơn vị trực thuộc trong trường hợp phải thu hồi.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có quyền quyết định thu hồi, bán và điều chuyển với các tài sản công khác của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Chủ tịch UBND TP có quyền quyết định bán đấu giá hoặc sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT. Ảnh: Internet.

Riêng đối với nhà, đất là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên trên một đơn vị tài sản, thường trực HĐND thành phố sẽ có văn bản thống nhất về chủ trương để Chủ tịch UBND thành phố quyết định bán đấu giá và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Đối với thẩm quyền thanh lý tài sản công, giám đốc Sở Tài chính có thể quyết định.Tài sản gồm trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp, các tài sản gắn liền với đất, thanh lý ôtô…

Về thẩm quyền quy định thuê tài sản công, Chủ tịch UBND thành phố được quyền quyết định việc thuê nhà, đất sử dụng làm trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và trụ sở làm việc cùng công trình sự nghiệp.

Trừ trường hợp kể trên, giám đốc các sở, ban, ngành có quyền quyết định việc thuê và tự chịu trách nhiệm tài sản công trong phạm vi ngân sách được giao hàng năm.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã được quyết định việc thuê nhà, đất sử dụng làm trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện mình quản lý.

Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định việc thuê nhà, đất sử dụng làm trụ sở làm việc cùng công trình sự nghiệp trên cơ sở tiêu chuẩn.

Đối với việc mua sắm tài sản công là nhà, đất, tài sản gắn liền với đất, ôtô công vụ thì thẩm quyền thuộc chủ tịch UBND TP. Tuy nhiên, quyết định phải nằm trong định mức do Chính phủ hoặc UBND thành phố ban hành.

Đối với thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trừ các khoản mua sắm kể trên, nếu tiến hành mua sắm tài sản công từ nguồn kinh phí được giao sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hồ sơ, trình tự, thủ tục theo đúng quy định về thực hiện đấu thầu nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan bằng vốn Nhà nước.Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập được quyết định sử dụng kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi và các nguồn thu khác để mua sắm tài sản công theo quy định.

Riêng đối với việc mua sắm các tài sản công thuộc danh mục mua sắm tập trung (cấp quốc gia hoặc cấp thành phố), các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo quy định của trung ương và thành phố.

Cao Thùy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.