Các DN ngành xi măng đang oằn lưng cõng lãi |
9 tháng đầu năm 2011, lợi nhuận gộp của CTCP Xi măng Bút Sơn (BTS) là 488,5 tỷ đồng, nhưng Công ty phải trả chi phí lãi vay lên tới 275,5 tỷ đồng, tương đương 56,5% lãi gộp. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2010, chi phí lãi vay của BTS chỉ xấp xỉ 30 tỷ đồng, bằng 14,9% lợi nhuận gộp (202 tỷ đồng).
Lãi vay tăng cao là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của BTS giảm mạnh. 9 tháng đầu năm 2011, lợi nhuận sau thuế của BTS chỉ gần 7 tỷ đồng, chưa bằng 1/9 mức lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm trước, mặc dù năm 2011, BTS được hưởng lợi cả hai yếu tố: doanh thu bán hàng tăng mạnh và tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu giảm nhẹ.
BTS không phải là trường hợp cá biệt trong ngành bị lãi vay “ngốn” mất lợi nhuận gộp. CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), năm 2011, cũng được hưởng lợi từ yếu tố giá bán tăng và chi phí sản xuất giảm.
Quý III/2011, giá bán xi măng của BCC tăng 9,3%, giá vốn hàng bán giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2010. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2011, BCC tăng doanh thu 23,56%, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng 9,85% so với 9 tháng đầu năm 2010.
Chính vì vậy, BCC có mức tăng lợi nhuận gộp ấn tượng, khoảng 95%, từ mức 314 tỷ đồng lên gần 613 tỷ đồng. Song, tương tự như BTS, 9 tháng, chi phí lãi vay của BCC đã lên trên 320 tỷ đồng, chiếm 52,2% lợi nhuận gộp.
Trong khi cùng kỳ năm trước, chi phí lãi vay của công ty này là gần 89 tỷ đồng, chiếm 28,3% lợi nhuận gộp. Luỹ kết 9 tháng đầu năm 2011, BCC lỗ 3,7 tỷ đồng, trong khi năm 2010 lãi 48,5 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách nợ trong số các DN ngành xi măng đã niêm yết phải kể đến CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1).
Tổng nợ của HT1 tại thời điểm 30/9/2011 là gần 11.000 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 9.134 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, tổng số lãi vay mà HT1 phải trả lên tới gần 596 tỷ đồng, bằng 55,5% lợi nhuận gộp trong kỳ.
Nếu trong quý IV phát sinh chi phí lãi vay của HT1 bằng 1/3 các quý trước, thì tổng số lãi vay phải trả trong năm 2011 của Công ty cũng gần 800 tỷ đồng, gần 50% vốn chủ sở hữu.
Các DN ngành xi măng khác như: CCM, HOM, HT1, SCC, SCJ, CCM… đều chịu ảnh hưởng nặng nề về chi phí lãi vay trong năm 2011. Điều đáng chú ý là, đa số các DN lớn trong ngành đều có nợ vay bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, năm 2011 là năm mà mức độ chịu rủi ro về tỷ giá có vẻ “nhẹ nhàng” nhất khi mức độ biến động tỷ giá không phải là quá lớn so với mức độ biến động chi phí lãi vay.
Ám ảnh thanh khoản
Theo BCTC quý III/2011 của BTS, tổng giá trị tài sản dài hạn của Công ty là 4.600 tỷ đồng, trong khi tổng nguồn vay dài hạn, vốn chủ sở hữu là 3.936 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, BTS đang phải sử dụng tới gần 700 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn để tài trợ cho đầu tư tài sản dài hạn.
Trong khi đó, hệ số thanh khoản nhanh của BTS tại thời điểm 30/9 chưa đến 0,3 lần, hệ số thanh khoản hiện thời là 0,57 lần. Đây là mức rất thấp so với mức an toàn của hệ số thanh khoản nhanh là trên 1 lần.
Với trường hợp của BCC, dù các chỉ tiêu về thanh khoản đỡ hơn, nhưng hệ số thanh khoản nhanh chỉ đạt 0,4 lần, hệ số thanh khoản hiện thời 0,76 lần. BCC cũng đang phải sử dụng tới hơn 370 tỷ đồng vốn vay, nợ ngắn hạn để tài trợ cho đầu tư dài hạn.
Mất cân đối trong cơ cấu tài chính lớn nhất chính là HT1, với khoảng 1.600 tỷ đồng vay ngắn hạn đang được sử dụng để tài trợ cho đầu tư dài hạn.
Hệ số nợ trên vốn chủ của HT1 lên tới 9,11 lần. Trong khi đó, một nỗi ám ảnh khác, lớn hơn của HT1, chính là các khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ (EUR và USD).
Dù không phải tính phần trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá vào chi phí tài chính, làm giảm kết quả kinh doanh trong kỳ, nhưng HT1 đã phải trích lập tổng cộng hơn 556 tỷ đồng vào Quỹ chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Ngay trong 9 tháng đầu năm nay, HT1 phải trích thêm vào quỹ này tới 84,23 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vốn chủ sở hữu của HT1 chỉ còn hơn 1.642 tỷ đồng, dù vốn điều lệ là 1.980 tỷ đồng.
Câu chuyện “lệch nguồn” của các DN ngành xi măng là điều không mới do đặc trưng suất đầu tư lớn và thường sử dụng nguồn vay ngoại tệ. Nhưng, nỗi ám ảnh của các DN này đã ngày một lộ diện, khi lãi suất vay vốn tăng cao, càng đáng ngại hơn khi đầu ra ngành xi măng gặp khó từ năm 2011.
Khối lượng xi măng bán ra không đạt như dự báo, dẫn đến lợi nhuận biên trong ngành vốn đã hẹp, nay có xu hướng tiếp tục giảm do chi phí cố định phân bổ trên đầu sản phẩm lớn. Kế toán trưởng một DN lớn ngành xi măng cho hay, thanh khoản đang là một vấn đề đáng ngại của các DN ngành xi măng, nhất là những DN có quy mô vốn vay lớn.
Tuy nhiên, đa phần các khoản vay là dài hạn, đã được lên kế hoạch từ trước và đặc trưng luân chuyển vốn lớn nên lo ngại mất thanh khoản dẫn đến phá sản là rất thấp.
Đặt cược vào vĩ mô
Cũng theo vị kế toán trưởng trên, đến thời điểm này, công ty chưa có hợp đồng lớn cho năm 2012. Ngành xi măng hầu như không có hợp đồng lớn, chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng theo từng thời điểm đặt hàng”, vị này trao đổi.
DN hiện rất hy vọng năm 2012, tình hình kinh tế tốt hơn, lãi suất ổn định hơn thì có thể sẽ vượt qua khó khăn về thanh khoản, còn nếu tình trạng của năm 2011 tiếp diễn hoặc xấu hơn thì sẽ khó nói trước về tình hình hoạt động của công ty.
Một dự báo mới đây của Bộ Công Thương cho biết, từ quý II/2012, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên, khi tình hình kinh tế đi vào ổn định, lãi suất cho vay giảm dần, giúp khơi thông dòng vốn đầu tư cho bất động sản. Theo đó, dự kiến sản xuất và tiêu thụ xi măng năm 2012 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2011 và đạt từ 55 - 56,5 triệu tấn. Năng lực sản xuất xi măng trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Nhưng dự báo trên cũng chỉ ra một nguy cơ khác, đó là việc các DN trong ngành sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh gay gắt hơn đến từ các nhà sản xuất mới. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030, dự kiến năm 2012 sẽ có thêm 8 dự án sản xuất xi măng được đưa vào vận hành với công suất là 7,57 triệu tấn/năm, nâng công suất của toàn ngành lên 77,05 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và có dư thừa.
Sức ép cạnh tranh tăng, nhu cầu sụt giảm và lơ lửng nỗi lo lãi suất, tỷ giá tăng…, năm 2012 có thể tiếp tục là một năm đầy thử thách cho các DN ngành xi măng. Hướng đi cho các đơn vị này chỉ có thể đến từ triển vọng vĩ mô.