Ông Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) nhận định, quy định liên quan đến quyền sở hữu ngoại tệ của các tổ chức tín dụng và quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế, cá nhân trong Pháp lệnh Ngoại hối hiện quá rộng, cần phải được sửa đổi. Thế nhưng, trong Dự thảo Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi vừa được đưa ra lấy ý kiến Thường vụ Quốc hội tuần qua, quyền sở hữu ngoại tệ của người dân vẫn được giữ nguyên.
Cùng với việc giữ nguyên quyền sở hữu ngoại tệ của người dân, người đứng đầu NHNN cũng khẳng định, sẽ có nhiều “cây gậy” để chống đô la hóa. Trên thực tế, dù Đề án Chống đô la hóa cuối tháng này mới được NHNN trình, song các giải pháp chống đô la hóa đã được NHNN triển khai từ đầu năm đến nay và bước đầu đã mang lại một số hiệu quả.
Điển hình là ngày 8/3/2012, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2012/TT-NHNN. Theo đó, việc vay vốn ngoại tệ đối với nhiều đối tượng doanh nghiệp sẽ chỉ được thực hiện đến ngày 31/12/2012. Sau thời điểm này, ngân hàng chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Để xác định có đủ nguồn ngoại tệ, ngân hàng thương mại sẽ căn cứ trên hợp đồng xuất khẩu. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây là bước đi để hướng tới chấm dứt cho vay ngoại tệ trong tương lai.
Bên cạnh ban hành Thông tư 03, trong năm 2012, NHNN cũng áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp (2%/năm) và duy trì tỷ giá ổn định. Điều này đã khiến tâm lý kỳ vọng vào đồng USD giảm mạnh, tình trạng găm giữ ngoại tệ của người dân giảm, một lượng lớn ngoại tệ được chuyển thành tiền đồng và chảy qua các kênh đầu tư khác. Một khi huy động ngoại tệ giảm, doanh nghiệp cũng ít có cơ hội vay ngoại tệ, mà phải chuyển sang quan hệ mua - bán ngoại theo hợp đồng xuất nhập khẩu. Số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM cho thấy, 11 tháng đầu năm, huy động và cho vay ngoại tệ trên địa bàn đều giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Lãi suất cho vay tiền đồng đang dần ổn định với xu hướng hạ cũng khiến cho vay USD mất dần sức hấp dẫn. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất cho vay tiền đồng tại nhiều ngân hàng áp dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện chỉ còn 10 - 11%/năm, thậm chí 8 - 9%/năm. Mức lãi suất này, nếu so sánh với lãi suất cho vay ngoại tệ (6 - 7%/năm) là không quá lớn và doanh nghiệp không phải quá đắn đo khi vay tiền đồng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nên nới quy định hạn chế vay ngoại tệ thêm vài năm nữa, bởi lãi suất cho vay tiền đồng với xuất nhập khẩu hiện nay vẫn là 12-13%/năm, cao gấp đôi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán, vào năm 2015 hoặc năm 2016, thị trường sẽ chứng kiến việc giảm, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ. “Với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trước mắt, có thể được duy trì tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ. Song tiến tới, tài khoản thanh toán này cũng cần được loại bỏ. Luồng ngoại tệ khi về tài khoản của doanh nghiệp sẽ được các ngân hàng sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái chuyển đổi ngay lập tức”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.