11/05/2015 10:23 PM
Thuê buồng của một người Việt trẻ hay chuyện lại gặp 5 sinh viên cả nam và nữ thuộc 3 quốc tịch ở cùng phòng với nhau, nên dù chỉ ở đây có 4 ngày, tôi vẫn nhặt nhạnh được khá nhiều chuyện bất ngờ và thú vị.

Dù quốc đảo đất chật người đông, nhưng họ vẫn dành đất cho những thảm cỏ, rừng cây tuyệt đẹp.

Kiếm ăn xứ người

Sang Singapore, tôi thuê một buồng trong căn hộ chung cư diện tích chỉ khoảng 120m2 với 3 phòng ngủ, 1 phòng bếp, 2 nhà vệ sinh. Chủ nhà là Huyền, người Hà Nội, sang đây định cư được khoảng 5 năm cùng 2 đứa con. Chị cho biết, dù nhà trông xuềnh xoàng ở tầng 9 này nhưng giá cũng xấp xỉ 20 tỉ đồng Việt Nam. Biết ở quốc đảo này đất quý hơn kim cương, nhưng tôi vẫn không ngờ giá nó lại cao ngất ngưởng như vậy.

Từ tầng 9 ở đây ngắm ra những nhà chung cư xung quanh, tôi thấy các tòa nhà chen nhau mọc lên dày đặc, kiến trúc trông khá đơn điệu. Nếu xét theo tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam thì chắc các chung cư này phải... phá sạch. Dù vậy, tôi cũng thật ngạc nhiên khi ở quốc đảo đất chật người đông này mà cả tầng 1 đều để trống trơn (phí quá?!), không thấy bóng một chiếc xe máy nào. Ôtô ra vào chung cư đều phải qua camera kiểm soát, nếu đúng là xe của tòa nhà, thanh chắn tự động nhấc lên và chúng đều có từng ô đỗ rất trật tự. Ngay cả bãi ôtô đỗ cũng là nơi họ tận dụng trồng cỏ xen giữa các khoảng trống của bêtông đổ như kiểu tổ ong. Do đó, dù các tòa nhà chặt như nêm nhưng vẫn cho ta cảm giác thoáng, trong lành. Lững thững đi bộ buổi tối ở đây cảm nhận này càng rõ, gió lồng lộng, thật mát và sảng khoái.

Nhà ở đây đắt như vậy nên tiền thuê nhà cũng đắt và thủ tục thuê nhà cũng khác bên ta. Nếu như ở VN, để thuê nhà, phần lớn người thuê và chủ nhà trực tiếp làm việc với nhau hoặc có qua môi giới thì cũng chỉ mất một lần tiền. Nhưng ở quốc đảo đất chật người đông này, Huyền cho biết, để thuê nhà tất tần tật đều phải qua những Cty môi giới. Mỗi lần thuê nhà, họ chỉ ký từng năm một và mỗi lần như vậy lại bị mất thêm nửa tháng tiền thuê nhà cho những Cty môi giới. Thuê cả “căn hộ to” như vậy (những 120m2!), Huyền nói, chủ yếu để cho thuê lại. Do đó, nếu có khách thuê (chủ yếu là người VN sang đi du lịch bụi hoặc đi chữa bệnh) Huyền vui vẻ dành cả 3 phòng ngủ cho khách, còn ba mẹ con Huyền cùng bà ngoại các cháu ngủ ngay phòng khách.

Huyền cũng cho biết, tôi chỉ là một trong ít những trường hợp sang đây khám bệnh ở nhà của Huyền, còn phần lớn là du khách đi tour hoặc các cháu học sinh sang đây du học - đây mới là “khách ruột” của Huyền vì các cháu ở ổn định hơn. Huyền tâm sự rất thật: "Nếu anh lần sau có sang đây đi tour cứ đến với em, nhưng nếu đi khám bệnh thì anh phải qua nhà Hoa. Lý do, đã là khách sang đây khám bệnh do H (là người giới thiệu cho tôi sang Singapore khám bệnh) dẫn mối thì H đều chỉ người bệnh đến Hoa (em gái của H) ở trọ. Anh dù đã biết nhà em, nhưng nếu anh sang khám bệnh em cũng không dám nhận đâu. Ở đây, mọi thứ phải rành mạch thế anh ạ!". Tôi thấy H dẫn mối người bệnh sang đây khá đông, luôn tất bật. Nếu tôi thấy Huyền khá chật vật kiếm sống bên này để nuôi hai đứa con, thì H kiếm tiền khá dễ và còn tạo điều kiện cho người nhà sang bên này làm dịch vụ cho thuê nhà sống khá khỏe.

Tôi đến ở đây cũng là lúc cả nhà Huyền phải nằm ở phòng khách. Nếu như phòng tôi ở là phòng khép kín, giá thuê 90SGD (gần 1,5 triệu đồng VN)/ngày đêm, thì 2 phòng bên cạnh chỉ có chỗ ngủ. Một phòng có một cô gái thuê ở mà tôi chưa một lần giáp mặt, còn phòng nữa có tới 5 cô, cậu sinh viên với 3 quốc tịch khác nhau cùng ở chung!? Phòng này tôi áng chừng cũng chỉ 15m2, do đó, để chứa được 5 người, cô chủ nhà xếp loại giường tầng. Trừ phòng tôi, còn lại tất cả những vị khách này cùng gia chủ dùng chung một cái nhà vệ sinh, nhà tắm. Nhà tắm có cửa kính, dù là kính mờ, nhưng ngồi ở phòng khách đều có thể thấy hết những động tác phía trong đó. Nhưng có lẽ buộc phải quen với sự rất nhạy cảm này, tôi thấy, các nữ sinh cũng tỏ ra rất vô tư (hoặc cố ra vẻ như vậy) khi vào phòng tắm. Và khi nấu ăn thì thật phiền bởi 4 “gia đình” ở đây chỉ có một bếp rộng khoảng 12m2 với một cái tủ lạnh và cái bếp điện đôi. Do đó, từ tắm, vệ sinh cho đến nấu cơm cứ phải… từ từ.

Khi 5 thanh niên nam, nữ sống chung một phòng

Nhìn các cháu tôi không khỏi ái ngại, 2 nữ sinh Việt Nam ở cùng 3 cậu con trai (trong đó có 1 người Ấn Độ và 1 là Philippines) sẽ sinh hoạt như thế nào trong một phòng khoảng 15m2? Tôi thấy, phòng đó không khác gì các phòng ký túc xá ở các trường đại học bên ta là mấy. Nếu khác, đó là ở Việt Nam thì nam nữ ở riêng biệt, còn ở nhà này cả 5 cậu trai và gái sống cùng nhau.

Thấy các cháu gần nửa đêm mới ăn cơm chiều, sáng sau dậy rất muộn, tôi tò mò hỏi chuyện cô chủ nhà. Huyền cho biết, sau khi cùng ôn thi vào đại học, mấy đứa chơi thân với nhau, chúng cứ nhất định ở chung một buồng, cùng nấu nướng ăn chung với nhau. Tất cả các em đó đều làm gia sư, học giỏi và ngoan lắm. Vì chủ yếu dạy buổi chiều nên về nhà cũng muộn, tôi thấy mỗi đứa một tay cùng lo cơm nước trông cũng vui. Nhưng có lẽ vì phải chờ cái bếp điện đôi dùng chung, nên ngày nào chúng cũng ăn vào lúc gần nửa đêm.

Nhìn các cháu đang tuổi ăn, tuổi chơi mà đã phải sống (hay tuổi trẻ các cháu thích như vậy nhỉ?) kiểu này khiến tôi rất tò mò. Người tôi tiếp xúc đầu tiên là Toàn - người ở TP.Nha Trang. Tuy sống ở xứ biển nhưng Toàn trông dáng rất thư sinh, dong dỏng cao, trắng trẻo. Toàn cũng mới sang đây được dăm tháng, nói năng nhỏ nhẹ, hỏi đâu đáp đấy, rõ ràng, mạch lạc: Chúng cháu đều đã đỗ đại học, hiện đang chờ ngày nhập học nên tranh thủ làm gia sư ở cùng một trung tâm, vừa kiếm thêm tiền vừa tìm hiểu thêm văn hóa bản địa.

Nói về thu nhập, Toàn cười: "Ở đây, ai khá môn nào dạy thêm môn đó, mỗi người một môn; lương khoảng 10SGD (gần 160.000đ)/giờ, trung bình mỗi ngày dạy 5 tiếng. Thấy tôi có vẻ mừng bởi học sinh có thu nhập như vậy là tốt rồi, Toàn liền liệt kê các khoản chi phí: Tiền thuê nhà cũng mất khoảng 400SGD/tháng/người; vé xe buýt bên này đắt lắm, hành trình của chúng cháu ngắn mà cũng mất khoảng 1,5SGD/ một lượt, như vậy mất 3SGD cho việc đi lại rồi. Toàn nhấn mạnh, bọn cháu ở đây thuê còn rẻ đấy, ở như vậy cả 5 đứa có mất 2.000SGD thôi, nhiều nơi họ còn cho thuê với giá 4.000 - 5.000SGD/phòng mà phòng cũng chẳng khá hơn là mấy".

Tôi chợt nghĩ, việc các cháu phải ở chung một phòng, ngoài việc thân nhau, chắc nguyên nhân không kém phần quan trọng là nhằm giảm bớt chi phí. Khi tôi hỏi có để dành được chút tiền nào để đi chơi không? Chàng trai xứ biển nhoẻn cười: "Cháu vẫn cố dành được chút chú ạ, thỉnh thoảng còn đi ngắm xứ người để hiểu thêm văn hóa của họ nữa". Và quả thật, khi tôi hỏi, nếu chú chỉ có nửa ngày thì có thể đi đâu chơi được, Toàn nói vanh vách những đặc điểm của từng nơi cho tôi lựa chọn.

Nếu như Toàn có vẻ từ tốn thì Vân, cô bé học lớp H, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội lại giao tiếp nhanh nhẹn, tự tin. Được như vậy có thể do Vân đã sang đây học từ THCS. Tôi cũng biết, phần lớn các học sinh lớp H (lớp chuyên ngữ) của Trường THCS Trưng Vương đi du học khá nhiều, trong đó chủ yếu sang Singapore nhờ có mối liên kết của trường này với các trường bên Singapore. Thấy tôi biết nhiều về ngôi trường cũ của mình, khuôn mặt tươi rói của Vân không giấu nổi vẻ tự hào.

Khi chúng tôi chào Vân để ra sân bay, cháu nhanh nhẹn gọi hai người bạn ngoại quốc kéo giúp vali của tôi từ tầng 9 xuống. Thấy điện thoại tôi hết pin nên không lấy được thông tin về vé máy bay, Vân hỏi ngay: "Chú bay hãng nào, bay chuyến mấy giờ?". Vừa hỏi, Vân vừa lấy điện thoại của mình tra luôn các thông tin của chuyến bay. Sợ trình độ ây bi si (A - B - C) tiếng Anh của tôi không ổn, Vân dặn kỹ ông tài xế đưa tôi đến cửa nào, dặn tôi làm thủ tục quầy số bao nhiêu. Tôi thật sự cảm động về sự chu đáo của cô gái mới lớn này. Tôi cũng chắc một điều, nếu không sống tự lập ở xứ người như vậy, chắc Vân vẫn còn nũng nịu với bố mẹ dài dài.

Duy Hưng (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.