13/07/2012 7:43 AM
Các ngân hàng đã cùng nhìn nhau, nhất loạt áp trần lãi suất cho vay mới chỉ còn 15%. Trong đó, các ngân hàng lớn, có thanh khoản tốt lại thể hiện lợi thế và tạo ra sức ép tích cực cho toàn thị trường.

Đồng loạt lập trần 15%

Thông báo từ BIDV cho biết, sẽ rà soát lại toàn bộ dư nợ các khoản vay đang có mức lãi suất cao hơn 15%/năm và điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm kể từ ngày 15/7/2012.

Đối với các khoản cho vay mới, áp dụng lãi suất cho vay tối đa không quá 15%/năm từ ngày 15/7. Riêng các lĩnh vực ưu tiên, áp dụng lãi suất tối đa là 12%. Các khoản vay ngắn hạn của khách hàng tốt thuộc lĩnh vực này lãi suất chỉ ở mức 11-12%. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, lãi suất từ 9-11% khi DN thực hiện dịch vụ trọn gói tại BIDV.

Nhiều ngân hàng khác cũng đồng loạt giảm nợ cũ về 15%. Thậm chí, mức 15% đã được nhiều ngân hàng ấn định như là một trần cho vay mới đối với DN.

Cụ thể, Agribank cho biết sẽ áp dụng lãi suất cho vay tối đa là 15%/năm kể từ ngày 15/7/2012. Trong khi đó, VietinBank cũng công bố giảm lãi suất cho vay dưới 15%/năm từ 15/7/2012. Ngoài ra, VietinBank sẵn sàng cho DN vay vốn lưu động với lãi suất 12%/năm, thậm chí 11%/năm.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương VN (Vietcombank) cho biết, sau ngày 15/7, Vietcombank sẽ đưa lãi suất với các khoản cho vay cũ về mức dưới 15%, riêng một số lĩnh vực ưu tiên sẽ ở mức 11-12%.

SHB cũng sẽ điều chỉnh cho tất cả các khoản vay cũ hiện đang có lãi suất trên 15%/năm, không phân biệt khách hàng cá nhân hay DN, không phân biệt lĩnh vực. Việc điều chỉnh này được thực hiện ở các khoản vay đến kỳ điều chỉnh và cả chưa đến kỳ điều chỉnh.

Cùng với việc giảm lãi suất, các ngân hàng tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi. Cụ thể, BIDV đang áp dụng mức lãi suất 12% đối với chương trình tài trợ chuỗi liên kết “4 nhà”, nhà ở thu nhập thấp, khách hàng vay mua nhà. Từ ngày 10/7/2012, BIDV triển khai chương trình cho vay thu mua tạm trữ 500 ngàn tấn lúa gạo vụ Hè Thu 2012 với mức lãi suất thấp nhất là 10%/năm.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) kéo dài chương trình Tiếp sức doanh nghiệp. Được biết, sau 2 tháng triển khai với doanh số giải ngân đạt gần 6.000 tỷ đồng, Ngân hàng đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện thêm 1 tháng nhằm hỗ trợ các DN. Cụ thể như: miễn phí chuyển tiền trong cùng hệ thống, giảm 25% phí chuyển tiền khách hệ thống. Đặc biệt, Ngân hàng cam kết cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế ưu đãi nhất từ trước đến nay: giảm 15% phí phát lệnh chuyển tiền, giảm đến 15% phí thanh toán…

VietinBank đang triển khai chương trình cho vay thu mua tạm trữ 500 ngàn tấn lúa gạo vụ Hè Thu 2012 với mức lãi suất chỉ ở mức 10,5%/năm. Các chương trình cho vay tín dụng mục tiêu, chương trình ưu đãi cho vay các khách hàng chiến lược, khách hàng tốt, tiềm năng có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất 10 - 11,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi áp dụng cho các khoản vay mới đối với khách hàng DN với lãi suất 13%/năm. Bên cạnh đó, Sacombank cũng triển khai gói 50 triệu USD cho vay ưu đãi đối với khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất áp dụng cho các khoản vay chỉ từ 4,5%/năm.

Chia lỗ với DN

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, BIDV đã liên tiếp 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các DN trực tiếp sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, BIDV cũng sẽ làm việc với các DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm được hàng tồn kho, khơi thông tín dụng để bơm vốn ra nền kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank - cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Agribank đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay làm giảm lãi tiền vay hơn 3.000 tỷ đồng, nếu như đợt này áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa 15% thì dự kiến giảm doanh thu lãi tiền vay khoảng 4.500 tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, dự kiến đợt giảm lãi suất này sẽ làm giảm thu đi 1.500-1.800 tỷ đồng trong kế hoạch kinh doanh 2012. Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, từ tháng 4/2012, SHB cũng đã giảm lãi suất cho khoảng 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỷ đồng, kể cả những khoản chưa đến hạn điều chỉnh. Nguồn thu từ tín dụng theo đó giảm 15,53 tỷ đồng/tháng.

Trong thông báo chính thức về điều hành tiền tệ 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã nhắc lại yêu cầu xem xét điểu chỉnh giảm lãi suất cho vay khoản nợ cũ về mức tối đa 15%. Theo đó, chậm nhất đến 15/7, các ngân hàng phải có biểu lãi suất mới. Bên cạnh đó, ngân hàng phải có các biện pháp cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, áp dụng lãi suất cho vay và huy động ở mức hợp lý, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, đánh giá khả năng trả nợ của khách, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu.

Theo chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, động thái khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ về mốc 15% của NHNN là hợp lý. Ông Hiếu cho rằng, biện pháp này có hiệu quả thực tế sau ngày 15/7 hay không còn tuỳ thuộc vào các ngân hàng (NH) và thoả thuận giữa DN và NH. Bởi đây là vấn đề thoả thuận giữa hai bên. Các NH lớn quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietinbank,… sẽ không khó khăn khi áp dụng chính sách này, đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là biện pháp tháo gỡ nợ xấu. Mặt khác, thanh khoản của các NH này lại lớn. Thế nhưng với các NH nhỏ xem ra khó hơn một chút vì chi phí vốn bỏ ra với lãi suất cũ rất cao, mức lãi suất huy động thời điểm khoản vay trước đây cũng gần bằng với lãi suất tối đa cho vay mà NHNN yêu cầu hiện tại.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành cho rằng, trong hoàn cảnh hai bên cùng khó khăn thì việc NH giảm lãi suất là việc nên làm, cứu DN cũng là cứu NH. Cái cốt yếu là hai bên có sự đồng thuận về mức hài hoà lợi ích. “Vấn đề này NHNN chỉ can thiệp bằng những đề nghị, khuyến khích, chủ yếu thực thi hay không là ở các NHTM”, ông Thành lý giải.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết, việc NHNN chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất cho các khoản vay cũ khiến các DN thép rất mừng và như tháo được nút thắt khó khăn cho DN. Bởi DN ngành thép thường có tỷ lệ nợ vay với lãi suất cao là chủ yếu. Áp lực nợ ngân hàng cao, các DN thép trở thành đối tượng bị kiểm soát chặt chẽ của ngân hàng.

Tuy nhiên, một số DN nhỏ và vừa lại băn khoăn trước thông tin giảm lãi suất. Anh Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty THNN sản xuất đá mỹ nghệ ở Nghệ An cho biết, số khách hàng được hưởng lãi suất thấp chỉ chiếm khoảng 1-1,5% tổng dư nợ của ngân hàng. Phần lớn các hợp đồng tín dụng cũ thường họ huy động 14%/năm, bây giờ đưa về lãi suất cho vay ngang bằng huy động thì không có lợi nhuận. Tất nhiên, trong bối cảnh xử lý nợ xấu, các NH sẽ phải làm theo yêu cầu của NHNN nhưng tính thanh khoản của một số ngân hàng hiện nay chưa chắc đáp ứng được nhu cầu vay vốn thực tế của DN.

“Đối với các DN nhỏ và vừa, dù lãi suất cao hay thấp họ cũng không thể tiếp cận được vì đa số các điều kiện về sổ sách, tài sản, thị trường của các khối DN này khó đáp ứng được mức tín nhiệm của ngân hàng”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo Vietnamnet
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.