05/10/2010 12:13 PM
Hôm nay 05/10/2010, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thông báo giảm lãi suất chỉ đạo xuống số không để đối phó với tình trạng đồng yen mỗi ngày mỗi lên giá gây khó khăn cho kinh tế. Biện pháp tài chính của Nhật gây bất ngờ cho thị trường chứng khoán, trong khi giới phân tích lo ngại các khu vực tiền tệ lớn lao vào một cuộc cạnh tranh bằng cách phá giá đồng tiền.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết đã quết định một số biện pháp sau đây: Lãi suất chỉ đạo sẽ được công bố mỗi ngày trong biên độ từ 0% đến 0,1% thay vì 0,1% như từ trước đến nay. Lãi suất sẽ được duy trì ở 0% nếu giá cả không được ổn định.

Thứ hai, Ngân hàng Trung ương thành lập quỹ tạm thời huy động gần 50 tỷ đôla để mua công trái của nhà nước và trái phiếu của xí nghiệp, bơm dưỡng khí cho ngân sách quốc gia và cho doanh nghiệp tư nhân. Song song với biện pháp này, Ngân hàng cũng dự trù một ngân khoản 300 ngàn tỷ yen tương đương với 300 tỷ đôla trong khuôn khổ một chương trình cho vay.

Tại Nhật Bản, tình trạng xuất khẩu trì trệ kéo dài, tỷ lệ tăng trưởng thấp, sản xuất công nghiệp sụt giảm, cộng thêm với những lời than phiền của giới doanh nghiệp đối với trị giá cao của đồng yen, đã làm nghiêng cán cân quyết định về hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Từ nhiều tháng nay, Tokyo kêu gọi Ngân hàng Trung ương phải chận đứng giá đồng yen leo thang và phải hỗ trợ kinh tế quốc gia.

Quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã được thị trường chứng khoán đón nhận tích cực. Đồng yen sụt giá so với đôla theo như mong đợi của chính phủ và tạo phản ứng hưng phấn, nâng chỉ số Nikkei lên 1,47% vào cuối ngày.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không phải là định chế tài chính duy nhất chịu áp lực phải hỗ trợ thêm cho kinh tế quốc gia. Thị trường tiền tệ thế giới đang chờ Ngân hàng Liên bang Hoa Kỳ - FED - thông báo những biện pháp mới để thúc đẩy kinh tế đang phục hồi một cách ngập ngừng.

Tại châu Âu, Ngân hàng Anh Quốc cũng đang bị sức ép đòi hỏi nới lỏng chính sách tiền tệ tại Vương quốc Anh.
Giới phân tích tỏ ra quan ngại trước nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua phá giá đồng tiền để cạnh tranh thương mại.

Mặt trận báo hiệu nhiều gay go nhất hiện nay là áp lực của Mỹ và châu Âu lên đồng tiền Trung Quốc. Bắc Kinh bị tố cáo là duy trì trị giá hối đoái đồng nhân dân tệ thấp một cách giả tạo để hỗ trợ xuất khẩu, cạnh tranh không lành mạnh với các bạn hàng. Nhiều dân biểu Hoa Kỳ đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa thương mại. Trong khi chờ đợi các biện pháp của Quốc hội, Ngân hàng Liên bang Mỹ FED đã có phản ứng riêng mà họ gọi là «quantitative easing» tạm gọi là «nới lỏng định lượng» không khác gì Nhật Bản, tung tiền mua công trái phiếu của Nhà nước hay nói trắng ra là in thêm tiền. Mục tiêu của Mỹ là làm cho đôla giảm giá để hàng xuất khẩu có thể cạnh tranh với nước ngoài. Hiện tượng này tuy không được gọi là phá giá đồng tiền thì nó cũng giống như hai anh em sinh đôi.

Về phần Trung Quốc, ngay ngày đầu tiên tại hội nghị Á-Âu, thủ tướng Ôn Gia Bảo một lần nữa dứt khoát bác bỏ những lời kêu gọi của châu Âu về chính sách đồng nhân dân tệ.

Hiểm nguy đe dọa ổn định kinh tế thế giới đã hiện rõ. Theo nhận định của nhật báo Le Monde, mỗi nước kềm giá đồng tiền của mình ở mức thấp nhất để thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ công ăn việc làm nội địa. Nạn nhân trong cuộc chạy đua này là Liên Hiệp Châu Âu. Đồng tiền chung châu Âu vẫn phất phới ở tỷ giá cao nhất. Không dùng đôla như là đơn vị tiền tệ chung trong giao dịch thế giới cũng không phải là biện pháp hay nhất, vì nó sẽ làm cho đồng tiền Mỹ giảm giá thêm. Tổng thống Pháp đã có lý khi tuyên bố rằng tình trạng hỗn loạn tiền tệ hiện nay là một nguy hiểm lớn.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland