Ảnh minh họa |
Các chủ nợ và con nợ của các hoạt động tín dụng "đen" cũng ngày càng đa dạng và mở rộng, từ những đại gia "gia truyền"- chủ cửa hàng vàng lớn, cho đến các thiếu gia mới "phất" một cách đầy bí ẩn ở tỉnh lẻ; từ những người thân quen, họ hàng kể cả ruột thịt, cho tới những người xa lạ, "cùng quá hóa quẫn" một khi đã sa cơ lỡ vận; những phần tử "xã hội đen" cho đến cả những doanh nhân thành đạt...
Lãi suất huy động và cho vay thì vô cùng, không có "trần hay sàn lãi suất" mà hoàn toàn "thuận mua vừa bán": từ lãi suất "hữu nghị" chỉ 0,15% một ngày, tương ứng 4,5% một tháng, 54% một năm cho các khoản vay ngắn hạn từ năm ngoái, hiện đã lên tới 10.000 đ./triệu đ/ ngày, tương đương với 30%/tháng và 360%/ năm. Cá biệt, tại Hà Nội, gần đây có hiện tượng cho vay với lãi suất 30-40%/tháng (360-480%/năm). Nhưng phổ biến hơn cả vẫn là mức 5.000-6.000 đ/triệu đ/ ngày, tương đương với khoảng trên dưới 200%/năm (khoảng gần 20% một tháng), gần gấp đôi so với hồi giữa năm nay và luôn cao gấp hơn hàng chục lần lãi suất chính thức của bất kỳ ngân hàng nào cùng thời điểm so sánh.
Cơ chế "hoạt động đa cấp" (nhiều trung gian tài chính) trong tín dụng "đen" càng khiến cho mức độ và biên độ chênh lệch lãi suất ngày càng lớn, thậm chí cao thêm tới 2-3 lần lãi suất gốc...Càng qua nhiều cầu trung gian thì lãi suất càng đẩy lên cao...
Thủ tục hoạt động tín dụng đen rất đơn giản, chỉ cần một chứng minh nhân dân và có địa chỉ nhà, đất; thậm chí khả năng tín chấp luôn mở rộng cho những khách quen...
Lý do để tín dụng đen tồn tại và thậm chí có xu hướng ngày càng phát triển là ở 3 bên: do cả bên cung, do cả bên cầu, cũng như do những bất cập của quản lý của Nhà nước.
Người vay có thể đang "cháy bạc, khát nước" và cần tiền chi trả cho những tổn thất mà họ phải trả vì dính vụ rớt giá sâu và kéo dài khi lướt sóng chứng khoán và nhà đất; hay cần vốn để kinh doanh chụp giựt "quả lớn" mà họ thường tự ám thị mình đã nắm chắc phần thắng "trong tầm tay"; trong khi thủ tục và điều kiện vay chặt chẽ của ngân hàng khiến họ ngại ngần, không muốn hoặc không thể tiếp cận được các nguồn vốn khác, do không thuyết phục được về mục đích và khả năng chi trả các khoản vay đúng hạn, cũng như không đủ kiên nhẫn chờ thủ tục thẩm định cần thiết của bên cho vay.
Thông thường, vào dịp cuối năm, nhu cầu trả nợ cùng với các hoạt động vay mượn cho nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng, tệ nạn cờ bạc tăng cao khiến cho lãi suất nhanh chóng đội lên và quy mô tín dụng "đen"cũng theo đó mà mở rộng...
Người cho vay thường là người có tiền tích trữ mà không muốn gửi hay kinh doanh ngân hàng với lãi suất thấp; hoặc đơn giản chỉ là người huy động trung gian để hưởng chênh lệch lãi suất hay hoa hồng hấp dẫn. Tuy nhiên, có nhiều người đóng vai trò chuyên nghiệp hơn, trở thành kẻ cho vay nặng lãi có máu mặt lâu năm ở địa phương, với đội ngũ nhân viên "có số có má", luôn sẵn sàng và ưa chuộng "thực thi công vụ" bằng "luật rừng", lạnh lùng và tàn nhẫn.
Về nguyên tắc, hoạt động tín dụng "đen" thường diễn ra ngầm, giữa các cá nhân với nhau, không qua tổ chức và thủ tục chính thức nào, nên rất khó để xử lý, trừ khi những đối tượng này có đơn trình báo đến cơ quan chức năng. Mặt khác, những vấn đề giữa người đi vay và cho vay tín dụng "đen" thuộc tranh chấp dân sự, nên cũng khó để cơ quan thanh tra ngân hàng có chế tài can thiệp. Còn nếu xét đây là quan hệ pháp luật, thì cơ quan quản lý không phải là thanh tra ngân hàng...
Bẫy tín dụng "đen" về phía người vay là sự gia tăng chóng mặt của món nợ phải trả tích cóp theo năm tháng do "lãi mẹ đẻ lãi con" và viễn cảnh bị phá sản, bị xiết nợ luôn treo lơ lửng trên đầu người đi vay...
Bẫy tín dụng "đen" về phía người cho vay phổ biến nhất là hiện tượng cho vay hay làm trung gian huy động vốn với lãi suất cao, quy mô lớn để nhận được chút lộc ban đầu khá ngọt ngào, rồi bỗng chốc mất trắng do người đi vay "trốn nợ".
Tín hiệu thông thường và phổ biến, đặc trưng cho những bẫy tín dụng "đen" thường là lãi suất cao, trả lãi đều, uy tín trong thời gian đầu, đủ để người cho vay "ngấm, say" trước lợi nhuận cao và dễ dãi ban đầu. Hỗ trợ cho màn trình diến này, nhiều kẻ chủ động lừa đảo trong tín dụng đen còn cố tình phô trương thanh thế bằng những chiêu khuyến mãi, từ thiện và vung tiền chơi đẹp, hoành tráng, khiến đối tác choáng ngợp trước tiền của, tài năng cùng uy tín của kẻ chủ mưu giăng bẫy...
Bẫy tín dụng "đen" không khó nhận ra, nếu ai đó có kiến thức tối thiểu về kinh tế thị trường và không quá ham lời từ trên trời rơi xuống. Quy luật "lợi nhuận bình quân" đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại trong kinh tế thị trường; đồng thời, nó cũng là một trong các nguyên lý hàng đầu để nhận diện bẫy tín dụng "đen".
Theo đó, không có lợi nhuận cao kéo dài trong kinh doanh có cạnh tranh đầy đủ thị trường, mà sẽ có sự cào bằng dần lợi nhuận để tiến tới mức lợi nhuận trung bình như nhau giữa các dạng, lĩnh vực kinh doanh.
Vì vậy, bất cứ dạng hoạt động kinh tế nào mang lại hay hứa hẹn mang lại món lợi nhuận nào cao bất thường, đều luôn chứa đựng những rủi ro tiềm tàng và không thể kéo dài, bền vững. Nói cách khác, không nên tin chắc và đắm đuối chạy theo những khoản lãi suất cho vay cao bất thường, mà những người huy động vốn tín dụng "đen" đưa ra mời chào, dù với bất kỳ lý do nào.
Phương ngôn từng có câu cảnh tỉnh khôn ngoan và không bao giờ lạc hậu: "Miếng phomat dễ kiếm nhất và không mất tiền chỉ có ở trên chiếc bẫy chuột".
TS. Nguyễn Minh Phong
Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội