Sở hữu chéo là quan hệ diễn ra ngày càng phổ biến giữa các DN trong nền kinh tế, đặc biệt là trong ngành ngân hàng. Sở hữu chéo đã và đang đe dọa đến tính minh bạch, an toàn của hệ thống ngân hàng nói riêng, hệ thống tài chính nói chung.

Sở hữu chéo bóp méo quản trị

Sở hữu chéo đang được nhìn nhận là vấn đề lớn nhất của hệ thống tín dụng Việt Nam hiện nay. Theo cách phân nhóm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện có 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau:

(1) sở hữu của các ngân hàng trong nước và nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh;

(2) là cổ đông chiến lược nước ngoài sở hữu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước;

(3) cổ đông tại các ngân hàng là các công ty quản lý quỹ;

(4) sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước tại các MHTM cổ phần;

(5) sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần;

(6) sở hữu ngân hàng cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.

Sở hữu chéo là hoạt động mang tính lịch sử của ngành ngân hàng. Khi định hướng thành lập hệ thống ngân hàng cổ phần, Chính phủ chủ trương, trong mỗi ngân hàng cổ phần, cần có sự góp vốn của ngân hàng quốc doanh hoặc tổng công ty Nhà nước, nhằm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, quản trị nhân sự, tạo hướng đi cho ngân hàng cổ phần non trẻ; đồng thời giám sát đảm bảo hoạt động ngân hàng cổ phần không vượt ngoài khuôn khổ pháp lý, vì thế mà sở hữu chéo theo nhóm 4 và 6 hình thành.

Tiếp theo đó, khi bắt đầu mở rộng hoạt động, nhằm tiếp thu nghiệp vụ ngân hàng từ các ngân hàng cổ phần lớn (như Vietcombank) cũng như tăng cường mối quan hệ, mở rộng mạng lưới khách hàng, nhiều ngân hàng cổ phần lại sở hữu chéo lẫn nhau, hình thành nên nhóm 5.

Sở hữu chéo làm tăng vốn ảo trong hệ thống ngân hàng, giảm tính minh bạch, khiến hoạt động quản trị của ngân hàng bị bóp méo. Các cuộc họp giữa các cổ đông và hoạt động của Ban kiểm sát đều sơ lược và phần lớn là bỏ qua.

Cơ chế biểu quyết theo số đông là không hiệu quả và trong thực tế, nhóm cổ đông sở hữu chéo sẽ trở thành cổ đông quan trọng của công ty, làm suy yếu vị trí và ảnh hưởng cổ đông khác trong các công ty.

Về lâu dài, tình trạng thiếu sự giám sát, quản lý từ nhiều bên, đặc biệt là các cổ đông ngoài nhóm cổ đông sở hữu chéo và ban kiểm soát nội bộ sẽ làm xói mòn hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ở tầm vĩ mô, sở hữu chéo làm giảm tính minh bạch và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, tạo ra sự e ngại, tác động không tốt tới việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực có sở hữu chéo.

Trong ba năm qua, hàng loạt ngân hàng cổ phần đã nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, nhưng thực tế, gần như không có đồng vốn mới được bổ sung vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, do vốn điều lệ tăng, các ngân hàng được phép huy động tiền gửi lớn hơn và hàng nghìn tỷ đồng vốn từ ngân hàng lại được giải ngân cho những dự án sân sau của chính các ông chủ ngân hàng.

Vụ bầu Kiên có thể coi là một ví dụ điển hình về sự méo mó của quản trị ngân hàng do sở hữu chéo, với con số thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho ACB.

Hạn chế sở hữu chéo, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Vì những hậu quả của sở hữu chéo, ở các nước có nền kinh tế phát triển, ít nhiều đều có biện pháp hạn chế sở hữu chéo.

Tại Nhật Bản, sau khủng hoảng tài chính cuối thập niên 1980, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu sửa đổi lại các quy định pháp luật để hạn chế sở hữu chéo.

Cụ thể như ban hành chế độ kế toán DN mới, buộc cổ phiếu sở hữu chéo phải được định giá theo phương pháp giá trị thị trường, thay vì hạch toán theo giá gốc trước đây.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật cũng buộc các ngân hàng phải bán bớt lượng cổ phiếu đang sở hữu, bảo đảm tổng giá trị cổ phiếu có trong danh mục đầu tư không vượt quá vốn tự có cấp 1 của ngân hàng.

Đồng thời, ban hành quy định hạn chế sở hữu chéo như công ty con không có quyền sở hữu cổ phiếu của công ty mẹ, ngân hàng hoặc các công ty con của mình không được nắm giữ cổ phần vượt quá 5% tổng số phiếu bầu của một công ty.

Ở Đức, tuy không có cấm sở hữu chéo, nhưng quyền biểu quyết được giới hạn 25% và bị cấm quyền biểu quyết trong trường hợp quan hệ giữa hai công ty là mẹ - con.

Ở Pháp, mặc dù không hoàn toàn bị cấm, nhưng cả việc nắm giữ và quyền biểu quyết đều bị hạn chế đến mức tối đa là 10%.

Ở Mỹ, quyền lợi cổ đông được hạn chế trong trường hợp sở hữu chéo công ty mẹ - con.

Còn tại Vương quốc Anh, sở hữu chéo chiều dọc (công ty mẹ và công ty con nắm cổ phần của nhau) bị cấm hoàn toàn.

Dựa trên kinh nghiệm của các nước đã đi trước, xét thấy một số giải pháp có thể cân nhắc áp dụng cho Việt Nam.

Một là, rà soát cơ cấu vốn sở hữu cũng như kết quả hoạt động chính, hoạt động đầu tư trên toàn bộ NHTM đang hoạt động để nắm được tỷ lệ sở hữu NHTM của người sở hữu sau cùng và mức độ hoạt động hiệu quả của các NHTM.

Cụ thể, yêu cầu công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu ngân hàng đối với các đối tượng:các cổ đông có tỷ lệ sở hữu NHTM cổ phần từ 1% trở lên; người có liên quan hoặc công ty liên kết của một nhóm cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần một ngân hàng; bắt đầu lập phương án giám sát các cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 1% hoặc công ty liên kết của một nhóm cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 1% mà nhận thấy có vấn đề trong hoạt động.

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định vốn chủ sở hữu theo hướng, vốn chủ sở hữu là cơ sở để xác định nhiều chỉ số an toàn hoạt động của NHTM.

Do đó, cần quy định loại bỏ phần vốn sở hữu chéo giữa hai NHTM (kể cả vốn góp đối với công ty con của NHTM) ra khỏi cách tính vốn tự có của mỗi ngân hàng. Quy định này sẽ loại trừ độ nhiễu từ hoạt động sở hữu chéo lên các quy định an toàn vốn của NHTM, khiến các NHTM cân nhắc khi thực hiện sở hữu chéo.

Ba là, việc hạn chế sở hữu chéo cần được đề cập trong Luật Các tổ chức tín dụng, để có cơ sở, biện pháp kiểm soát, xử lý.

Ngoài ra, cần cân nhắc sớm đưa vào Luật Doanh nghiệp quy định, hai công ty chỉ có thể nắm giữ tối đa 10% vốn của nhau và lượng vốn sở hữu chéo sẽ không có quyền biểu quyết. Đây là giải pháp thường được nhiều quốc gia dùng để hạn chế sở hữu chéo ở lĩnh vực ngân hàng cũng như các lĩnh vực khác.

Nguyễn Thị Hương Thanh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.