Điều khó hiểu là những công trình này vẫn được chính quyền xác nhận để làm hợp đồng điện nước.
Ông Trần Trọng Khang, Đội trưởng đội Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho biết: Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Khương Đình lên tới con số cả ngàn.
“Việc xây dựng trái phép của người dân Khương Đình đã xảy ra từ lâu. Sau khi xã đổi thành phường, tình trạng xây dựng trái phép càng nhiều hơn, nhất là giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay” - ông Khang cho biết.
Đất nông nghiệp bị phân lô, xây dựng trái phép tại Khương Đình
Tuy nhiên, ông Khang cho biết: Thanh tra xây dựng không có chức năng phá dỡ công trình trái phép mà chỉ có quyền lập biên bản, đình chỉ xây dựng. Việc tháo dỡ do đoàn liên ngành của quận thực hiện.
Hiện tại, UBND quận Thanh Xuân đang gấp rút chỉ đạo các ban ngành liên quan xử lý những trường hợp này. Nhức nhối nhất là khu vực đất nông nghiệp gần nghĩa trang cũ của làng. Khu vực này có diện tích hơn 15.000m2, các hộ xã viên tự ý xây móng, làm tường bao, nhiều công trình làm móng kiên cố.
“Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, chúng tôi cũng phải tiến hành đi tháo dỡ công trình xây dựng trái phép ở các khu vực này. Anh em phải dùng búa để đập đầu cột bê-tông, sau đó lấy kìm cắt cụt râu sắt chờ (đoạn chờ để đổ khung cột - PV)”, ông Khang cho biết.
Lý do mà các hộ dân đưa ra khi xây nhà trái phép trên đất ruộng là do nhu cầu chỗ ở, sinh hoạt. Thế nhưng không ít người xây xong thì rao bán. Giá của một căn hộ hai tầng xây trên diện tích 30-40m2 dao động từ 800 triệu - hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đập bỏ, phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, hàng loạt những công trình có cùng chung tính chất vẫn tồn tại. Thậm chí, chính quyền sở tại còn lắp công tơ điện - nước đến tận nhà dân làm phát sinh mâu thuẫn.
Nhà bà Hiền xây nhà cấp 4 trên đất nông nghiệp (tại địa chỉ số 97/1, Bùi Xương Trạch) và đã bị lập biên bản yêu cầu phá dỡ. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn tiếp tục xây dựng do nhu cầu về chỗ ở và phát triển kinh tế (xây nhà cấp 4 cho thuê)
"Xung quanh thửa đất nhà tôi, người ta cũng xây dựng và ở yên ổn. Nếu như dỡ bỏ công trình nhà tôi, tại sao những nhà khác lại không?”, bà Hiền lập luận.
Về việc các công trình xây dựng trái phép vẫn được cấp điện, nước, bà Đỗ Thị Thu Hiền, cán bộ địa chính phường Khương Đình cho biết: Đó là nhu cầu thực tế trong sinh hoạt. Nếu không xác nhận để được làm hợp đồng điện/nước, các hộ này cũng tự có cách móc nối để có điện. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến trạm cấp điện tổng của cả phường vì quá tải (!?)
Xây trái phép do 'lịch sử để lại'?
Ông Vũ Xuân Trung, Chủ tịch UBND phường Khương Đình giải thích: Nguyên nhân của tình trạng xây dựng trái phép do vấn đề lịch sử để lại. Nhiều dự án triển khai trên địa bàn phường bị “treo” nhiều năm nay, chưa có bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500.
Đó là dự án xây dựng đường 2,5m cắt với đường Bùi Xương Trạch; dự án mở rộng đường Vương Thừa Vũ, đường Vũ Tông Phan… Ngoài ra, các dự án quy hoạch cải tạo Đầm Hồng, đầm Khương Đìnhcũng chậm tiến độ nhiều năm.
“Đất phục vụ dự án đã bị thu hồi nhưng dự án chậm triển khai. Người dân tự phát xây trên đất dự án đều vi phạm pháp luật. Nhiều hộ dân đã nhận đền bù nhưng vẫn xây dựng. Nếu dự án triển khai, các công trình trái phép này sẽ bị dỡ bỏ mà không được nhận đền bù” - ông Trung nói.
Các công trình xây dựng trái phép vẫn đang tiếp diễn tại ngõ 207, đường Bùi Xương Trạch.
Về hàng loạt các điểm tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng mọc lên trên đất nông nghiệp, mà đây là những điểm cung cấp nguyên vật liệu cho các hộ dân xây dựng công trình trái phép, chủ tịch phường Khương Đình cho biết sẽ tiến hành kiểm tra trong thời gian tới đây.
“Chúng tôi cũng báo cáo lên UBND quận xin chỉ đạo xử lý những công trình không phép này. Tuy nhiên, nhiều công trình đã xây dựng và người dân ở ổn định hàng chục năm cho nên cũng rất khó khăn để ra quyết định xử lý” - ông Trung cho biết.