Nguyên nhân là do một số công ty, hãng, phân xưởng gặp khó khăn, làm ăn không được, tinh giảm biên chế nhân lực lao động. Vì vậy, số công nhân bị nghỉ việc là khá đáng kể, khiến nhà trọ lâm cảnh hẩm hiu.
“Buồn rười rượi”
Quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long, hầu như gia đình nhà nào cũng kinh doanh dịch vụ phòng trọ. Những hộ này hiện trống khoảng 30 - 50% số lượng phòng trọ. Chị Nguyễn Thị Năm, chủ dịch vụ với 16 phòng cho thuê ở thôn Bầu, xã Kim Chung, kể nhà chị xưa nay vẫn luôn kín khách thuê phòng, hiếm lắm mới có phòng trống vài buổi do khách chuyển đi và khách mới lại chuyển tới thuê, chứ chưa bao giờ có cảnh phòng trống cả tháng trời như hiện tại. Chị Năm bảo: “Từ tết tới giờ, cứ vài hôm lại có 1 phòng khách bỏ đi với lý do phân xưởng hết việc nên họ về quê. Hiện tại với 16 phòng, nhà tôi chỉ có 5 phòng là có khách ở. Nghe nói sang tuần có 1 phòng cũng trả để đi tìm việc bên nội thành...”.
Một số nhà trọ ở cạnh khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội vắng người thuê - Ảnh: Nguyễn Hà Nam
Quanh xóm Đông Bầu, nơi có tới 60% các hộ có nhà cho thuê trọ thì hầu như nhà nào cũng chịu cảnh “buồn rười rượi” như nhà chị Năm. Có nhà thất thu mỗi tháng vài chục triệu đồng, như gia đình anh Nguyễn Văn Tâm. Cách đây 3 năm, trào lưu xây nhà trọ làm ăn phát đạt, anh Tâm vay ngân hàng mấy trăm triệu đồng để xây 25 phòng trọ với mong muốn sẽ thu hồi vốn sau vài ba năm. Kinh doanh đang ổn thì gặp cảnh suy thoái kinh tế, công nhân bỏ đi hết, anh Tâm điêu đứng vì chưa thu đủ vốn để trả ngân hàng. Hiện nhà anh Tâm chỉ 7 phòng có khách.
Tại các điểm quanh khu công nghiệp như thôn Cổ Điển (xã Hải Bối), thôn Đại Độ (xã Đại Mạch), thôn Nhuế, thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung)…, rất nhiều nhà dân treo biển cho thuê phòng trọ. Bà Lê Thị Đào, chủ quán bán nước trà vặt ở đầu thôn Hậu Dưỡng, kể công nhân bỏ về quê nhiều nên xóm bây giờ vắng lắm. Nhà có chục phòng trọ thì bỏ trống 3-4 phòng. Nhà có 4-5 phòng thì cũng trống một nửa…
Nơi đông đúc, nơi trống trải
Anh Vũ Thiện Toàn, cán bộ Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, cho hay: “Mới đây, chúng tôi tổ chức tìm hiểu, nắm bắt đời sống công nhân trong hệ thống 30 khu lưu trú, với khoảng 7.000 thanh niên công nhân ở trọ. Tôi nhận thấy, số lượng công nhân nghỉ việc, bỏ về quê là có, nhưng không nhiều. Rải rác công nhân bỏ về quê xảy ra ở những khu vực như Q.Thủ Đức, Q.12…”.
Theo anh Toàn, mức sống của công nhân tại TP.HCM nhìn chung còn thấp. Ở những vùng ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, mỗi công nhân có thu nhập bình quân khoảng 2,8 triệu đồng/tháng (không tăng ca) và 3,4 triệu đồng/tháng (có tăng ca). Ở những khu vực đô thị hóa như Q.12, Thủ Đức, Bình Tân…, thu nhập bình quân của công nhân là 3,15 triệu đồng (không tăng ca) và 3,75 triệu đồng (có tăng ca).
Bà Nguyễn Thị Thành (ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn) - chủ khu trọ gồm 100 phòng với hơn 200 công nhân đang thuê - nói chắc nịch: “Phòng cô không có đủ cho công nhân thuê. Hễ đứa này dọn đi là đứa khác dọn tới liền. Nhiều đứa khác còn xin đặt chỗ trước”. Bà Thành cho biết sở dĩ khu này “đắt khách” như vậy vì an ninh, giá khá “mềm”. Giá mỗi phòng trọ có diện tích từ 12 - 16 m2 (chưa tính gác lửng) dao động từ 600.000 - 650.000 đồng/tháng (2 người ở).
Bà Huỳnh Thị Thành, chủ khu trọ 25 phòng tại khu phố 4, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, cũng khẳng định: “Nguyên khu vực này hầu như không có công nhân trả phòng”. Theo chủ khu trọ này, một phòng trọ ở đây có giá bình dân từ 600.000 - 750.000 đồng/tháng (2 người ở). Tương tự, ông Lê Văn Ngủng, chủ của 33 phòng trọ trong khu phố 8, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, cho biết gia đình ông và những hộ cho thuê nhà xung quanh hầu như không lúc nào còn phòng trống.
Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Trí (ấp 2, xã Long Thới, H.Nhà Bè) phản ánh gần 2 tháng nay, hơn 50% trong tổng số 70 phòng cho thuê của gia đình ông đang bị bỏ trống. “Sau tết, công nhân tiếp tục đến đây thuê phòng một thời gian. Nhưng do không tìm được việc làm, họ đành trở về quê hoặc đi đâu đó kiếm sống”, ông Trí giải thích.