CafeLand – Trong khi nhu cầu về nhà ở tại các đô thị đang là rất lớn và chủ yếu tập trung ở phân khúc có giá bán vừa túi tiền thì thị trường hiện nay lại đang bùng nổ phân khúc trung và cao cấp.

Nhà ở có giá trên dưới 1 tỷ đồng ngày càng khan hiếm.

Mới đây, Ngân hàng thế giới đưa ra thông báo Việt Nam hiện có khoảng 40% dân số có thu nhập không đủ để mua nhà. Cụ thể, với mức thu nhập dưới 10 triệu/tháng. Thực tế, tại những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội nhu cầu về nhà ở là rất lớn, nhưng với thu nhập hiện nay phần lớn rất khó có khả năng mua được nhà.

Tại TP.HCM, theo số liệu thống kê từ nay đến năm 2017, thị trường sẽ chào đón từ 50.000 – 60.000 căn hộ, chiếm phần lớn trong số này là phân khúc trung và cao cấp. Tuy nhiên, nhu cầu của khách hàng lại đang tập trung phần lớn ở phân khúc nhà vừa túi tiền có giá trên dưới 1 tỷ đồng.

Nhìn lại năm 2014, phân khúc nhà ở có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng “lĩnh xướng” thị trường bất động sản. Hàng loạt dự án nhà ở có giá bán từ khoảng trên dưới 15 triệu/m2 được giới thiệu ra thị trường. Tiêu biểu là các dự án của Hưng Thịnh như 12 View, chuỗi dự án 8X, dự án Hưng Ngân Garden của Hoàng Anh Sài Gòn, dự án TDH Phước Long của Thuduc House, dự án của Nam Long… Các dự án này nhanh chóng gây sốt trên thị trường vì đã đánh đúng vào nhu cầu ở thực của người dân.

Tuy nhiên, bước sang năm 2015, trong khi số lượng dự án nhà ở có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng dần khan hiếm thì thị trường lại bùng nổ nguồn cung các dự án trung và cao cấp. Lý giải việc bùng nổ nguồn cung cao cấp trong thời gian vừa quan, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Việt An Hòa cho biết, sau nhiều năm thị trường rơi vào trầm lắng thì hiện đã có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc trở lại. Thị trường đang bùng nổ nguồn cung trung cao cấp một phần vì nhu cầu thực nhưng đa số là đáp ứng nhu cầu lớn của các nhà đầu tư. Mặt khác, đầu tư vào phân khúc trung và cao cấp thì tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có giá rẻ.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, hiện nền kinh tế của Việt Nam chưa có nhiều đột biến, với mức thu nhập hiện nay của phần lớn người dân thì phần lớn không thể đủ khả năng mua được một căn nhà với giá bán vài chục triệu một mét vuông.

Trong một hội thảo mới đây, nhiều chuyên gia cho biết, hiện có hơn 95% người trẻ gặp khó khăn về nhà ở. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, mỗi năm có khoảng hơn 50.000 cặp vợ chồng mới cưới có nhu cầu về nhà ở, lao động trẻ, người nhập cư cũng mong muốn có một căn nhà. Tuy nhiên, với mức thu nhập hiện nay thì nhóm đối tượng này rất khó để mua được nhà ở thành phố. Trong khi đó, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ dành để cho người thu nhập thấp mua nhà vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Gói này giải ngân quá chậm, trong khi thời hạn sắp hết. Thủ tục vay cũng rườm rà, vướng mắc, buộc người dân phải chứng minh thu nhập nên rất khó.

Một nguồn cung nhà ở giá rẻ khác đó là các dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên hiện chính sách này cũng bị đánh giá là chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Số lượng nhà ở xã hội quá ít, lại thường không đảm bảo về chất lượng khiến người dân không yên tâm. Trong khi đó, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng không đơn giản. Nhiều doanh nghiệp “chê” nhà ở xã hội vì thủ tục rườm rà và khả năng sinh lợi nhuận thấp.

Luật Kinh doanh bất động sản quy định, những dự án bất động sản tại các khu vực đô thị loại 3 trở lên phải dùng 20% diện tích để xây dựng dự án nhà ở xã hội. Thế nhưng xét trên thực tế, rất ít dự án làm được điều này. Một phần vì sự bất hợp lý khi trong một đô thị cao cấp rất khó để xây dựng các căn hộ có giá rẻ. Phần vì chủ đầu tư dự án cố tình né không thực hiện.

Theo một chuyên gia, thị trường bất động sản hiện đang phục hồi và phát triển tích cực trở lại, song đã xuất hiện một số dấu hiệu lo ngại, trong đó có lệch pha cung cầu. “Một thị trường bền vững thì phải cân đối cung cầu, một mặt đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nhưng cũng phải có nguồn cung nhà ở phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở thực của người dân”, vị này cho biết.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.