Viglacera là đơn vị tích cực tham gia làm nhà thu nhập thấp. Rút kinh nghiệm từ dự án Đặng Xá 1 tại Gia Lâm, Hà Nội, ngày 29/7 công ty tiến hành động thổ dự án Đặng Xá 2 với diện tích nhỏ hơn giúp đưa tổng chi phí thực mua căn hộ xuống còn 300-500 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, trao đổi với báo chí bên lề buổi động thổ dự án.
- Sau cơn sốt nhà thu nhập thấp đầu tiên, nhiều dự án bán ra thời gian qua rất chậm. Ông lý giải tại sao?
- Một số chủ đầu tư đến nay về cơ bản mới bán hết vì họ gặp vướng mắc về thủ tục. Nhu cầu người muốn mua nhà ở không ít nhưng bị giới hạn về thủ tục là phải có hộ khẩu ở quận nội thành Hà Nội đã khiến người mua bị hạn chế. Ví dụ như dự án của chúng tôi nằm trên địa bàn huyện Gia Lâm, chỉ người dân ở huyện được mua nhà. Điều kiện này khiến người mua ở các huyện khác trên địa bàn chưa tiếp cận được. Khi thành phố mở rộng diện được mua thì tôi nghĩ người dân sẽ dễ dàng tiếp cận hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera. Ảnh: Hoàng Lan. |
- Ông nhìn nhận thế nào trước thông tin dù không mặn mà với nhà thu nhập thấp nhưng nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn phải triển khai theo sức ép của Nhà nước?
- Nhà thu nhập thấp là một chương trình trọng tâm của Chính phủ, trước khi đầu tư chúng tôi đã nghiên cứu kỹ quy hoạch của thành phố. Đầu tiên, Hà Nội mới có cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng. Nhưng khi chúng tôi triển khai dự án thành phố đã khánh thành 2 cây cầu là Vĩnh Tuy và Thanh Trì.
Do đó, tôi cho rằng, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải quyết tâm, đặt mục tiêu lợi ích của khách hàng lên hàng đầu thì dự án sẽ hút khách. Tôi tin rằng, dần dần người ta sẽ có cách nhìn khác về nhà thu nhập thấp. Tôi luôn quan niệm, nhà thu nhập thấp thì giá thấp nhưng chất lượng phải không thấp, tiện ích phải đầy đủ, thậm chí sẵn sàng cạnh tranh cởi mở với dự án nhà thương mại.
- Vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp kêu thiếu vốn khi triển khai dự án nhà thu nhập thấp, theo ông, mấu chốt để giải quyết bài toán này là gì?
- Doanh nghiệp, ngoài mục tiêu sản xuất kinh doanh cần phải có lợi nhuận. Để có lợi nhuận thì vốn phải lớn, dài hơi. Chúng tôi đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng BIDV 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ để cho người dân mua nhà và chủ đầu tư vay vốn, thậm chí cả nhà thầu xây lắp. Đây là một bước tiến rồi.
Tuy nhiên, việc giải ngân dòng vốn chưa đáp ứng kịp thời tiến độ triển khai dự án. Có thể nói thế này, khi triển khai từng giai đoạn thì nguồn vốn giải ngân cho các giai đoạn là chưa phù hợp dẫn đến đôi khi bị chậm tiến độ công trình, làm giá thành bị ảnh hưởng. Để hạn chế điều này, chủ đầu tư phải tích lũy, nhập vật liệu ngay từ đầu tránh trượt giá hoặc chia nhỏ căn hộ ra.
- Trong tương lai, khi có nhiều dự án nhà thu nhập thấp được đưa vào hoạt động, người dân mong rằng giá bán sẽ giảm đi, ông nghĩ sao về điều này?
- Để hạ giá thành doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ mới, đơn cử như sử dụng gạch bê tông khí chưng áp, một loại gạch có thể tích lớn, trọng lượng nhẹ, và công nghệ cọc ép bê tông giữ lực. Nhờ vậy, chi phí kết cấu tòa nhà giảm đi làm giá thành hạ. Vật liệu xây dựng cũng giao đến tận chân dự án, bỏ qua khâu trung gian nên giá thành giảm 10-15%. Chúng tôi xây dựng giá bán trên tổng mức đầu tư. Sau đó chúng tôi trình thành phố, được các đơn vị chức năng thẩm định. Giá này tôi cho rằng, là làm rất đúng, rất sát. Sau khi hoàn thành dự án thì dựa vào quyết toán công trình và sở ban ngành được thẩm định lại lần nữa.
- Giá nhà thu nhập thấp ở Hà Nội trên dưới 10 triệu đồng vẫn còn rất cao so với gợi ý của Thủ tướng. Vậy theo ông, đến khi nào có thể biến mong muốn xây nhà 2-4 triệu đồng mỗi m2 thành hiện thực?
- Sau khi Thủ tướng đề nghị, chúng tôi cũng đã cân nhắc tính toán. Tuy nhiên, căn cứ vào dự án Đặng Xá 1 vừa triển khai, tôi có thể nêu ra câu trả lời thế này. Mặc dù đi tiên phong nhưng đã là doanh nghiệp thì chúng tôi phải tính đến lợi nhuận và theo quy định con số này không quá 10%. Để xây dựng dự án, chúng tôi phải có chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng... Mỗi m2 của nhà thu nhập thấp Đăng Xá 1 là 9,4 triệu chưa VAT.
Như vậy, với thời gian đầu tư 2 năm, tính cả trượt giá thì chúng tôi nhận thấy để có giá nhà 2-4 triệu cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ bằng các giải pháp rất mạnh như giao cho chủ đầu tư một quỹ đất sạch đã có hạ tầng. Cần có mẫu nhà đã được thiết kế sẵn, doanh nghiệp chỉ là người triển khai. Ngoài ra doanh nghiệp phải được tiếp cận vốn với lãi suất rất thấp thậm chí miễn giảm thì mới có thể triển khai được.