24/02/2012 7:48 AM
CafeLand – Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về ở nhà cho người thu nhập thấp. Song, sau nhiều năm triển khai chủ trương loại hình này, thị trường nhà ở thu nhập thấp vẫn lâm vào tình trạng ế ẩm, dở khóc dở cười. Vậy, vấn đề đầu tiên đặt ra vẫn là “tiền đâu”?
Đầu tiên là “tiền đâu”?
Người dân không còn mặn mà với nhà thu nhập thấp vì giá quá cao. Ảnh minh họa

Mặc dù cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp có hiệu lực và được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa được thụ hưởng vì vướng thủ tục. Điều này khiến các doanh nghiệp không mặn mà tham gia, đồng nghĩa với việc khó phát triển thêm nguồn cung và giá bán chưa phù hợp.

Tính đến cuối năm 2011, cả nước có 42 dự án nhà cho người thu nhập thấp khởi công, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 73.000 người nhưng mới chỉ có khoảng 8.000 người dọn đến ở.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn ưu đãi chưa vay được, nhiều dự án nhà thu nhập thấp phải đi vay vốn từ ngân hàng thương mại. Trước đây nhiều doanh nghiệp đã từng rất háo hức đầu tư vào phân khúc nhà thu nhập thấp nhưng đến nay lại âm thầm và lặng lẽ rút lui.

Trong khi đó, quy định lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tối đa chỉ 10% đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là không khuyến khích được doanh nghiệp giảm giá bán.

Từ những nguyên nhân trên đã để lại hệ lụy là người dân cũng không thể tiếp cận được với nguồn vay ưu đãi để có thể mua nhà, trong khi giá nhà quá cao nên nhiều người đành bỏ cuộc.

Theo quy định nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội diện tích tối thiểu có thể xây dựng 30m2 nhưng hầu hết những căn hộ thu nhập thấp nhỏ nhất cũng 50m2 khiến giá căn hộ đội lên khá cao.

“Bài toán hóc búa” đặt ra chính là với ngưỡng thu nhập “thấp” theo quy định, các đối tượng đủ điều kiện được mua khó có thể đủ “lực” để sở hữu một căn hộ dạng này với giá bán tạm tính (bao gồm VAT) khoảng 11 triệu đồng đến 13,5 triệu đồng/m2. Như vậy một căn hộ có diện tích từ 60 - 90m2 cũng dao động từ 700 triệu đồng 1 tỷ đồng/căn hộ và đóng theo tiến độ 2-3 năm thì khoản tiền dành mua nhà thu nhập thấp là cả một ước mơ xa vời.

Hoặc, dựa theo kết quả phân loại 5 nhóm thu nhập của Tổng Cục thống kê, người thu nhập thấp được xếp vào nhóm 2 (nhóm có thu nhập dưới trung bình).

Với mức thu nhập ở thời điểm năm 2010 trung bình 1,542 triệu đồng/tháng, giả sử sau khi trừ đi các chi phí sinh hoạt, bảo hiểm, phí công đoàn, y tế… còn nhiều nhất là khoảng 900.000 đồng. Như vậy, nếu mua căn hộ với diện tích 50m2, giá 500 triệu đồng thì phải tích lũy ít nhất khoảng 45 năm mới mua được căn hộ (không tính lãi). Nếu gia đình 2 người thì ít nhất cũng tới 23 năm.

Theo ông Ngô Đình Thế Thảo - Giám đốc Kinh doanh & Marketing Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, vấn đề hiện nay là giải quyết bài toán nhà thu nhập thấp, nhưng thấp là bao nhiêu? Một căn hộ có giá 12 triệu/m2 nhưng có diện tích 100m2 thì có gọi là nhà thu nhập thấp hay không?

Ông Thảo cho biết thêm, chính các quy định về mật độ dân cư đã vô tình làm cho diện tích căn hộ lớn, do vậy giá của một căn hộ đẩy lên quá cao. Thực tế, rất nhiều người chỉ cần căn hộ có diện tích khoảng 50m2. Thế nhưng, loại căn hộ này rất ít bởi chính sách quy hoạch hạn chế nhà ở có diện tích nhỏ.

“Nếu nhà nước điều chỉnh lại mật độ phù hợp thực tế hơn, căn hộ có diện tích nhỏ hơn, giá căn hộ sẽ thấp hơn và như vậy sẽ gần với túi tiền người dân hơn”, ông Thảo cho hay.

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở vào tháng 3 tới.

Theo đó, Mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở gồm quỹ tiết kiệm cho những người mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội và quỹ tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Mặc dù, Quỹ tiết kiệm nhà ở được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở, đồng thời có tác dụng nâng cao ý thức tiết kiệm của người dân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ý lo ngại rằng, để đi vào thực tế và để Quỹ tiết kiệm nhà ở tác động tích cực được đến thị trường có thể cần một thời gian dài.

Bởi trước mắt, khó khăn của việc lập quỹ là số lượng người tham gia không đông, nguồn vốn của quỹ hạn chế và chỉ phù hợp với các đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên.

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.