29/12/2020 9:20 AM
Vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản đến nay chưa có phương án khắc phục, cần quy định chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán cho triển khai dự án.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, từ năm 2016 - 2020, các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng đã có một sự chuyển đổi mạnh mẽ, từ các Tổng công ty quốc doanh dẫn đầu ngành thì nay những doanh nghiệp tư nhân với tiềm lực kinh tế lớn đã chiếm ưu thế trong mảnh công trình xây dựng dân dụng. Cùng với đó, ngành Xây dựng đã vươn lên tầm khu vực, xây dựng những tòa nhà "chọc trời", nằm trong top 10 công trình cao nhất thế giới mà không xảy ra bất kỳ tai nạn nào.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho biết, một tình trạng đáng báo động là nợ đọng trong xây dựng cơ bản từ năm này sang năm khác vẫn diễn ra. Thời gian nợ dài ngắn khác nhau nhưng cũng có nhiều khoản kéo dài 10 - 12 năm. Không ít dự án thi công hoàn thiện, đưa vào sử dụng hết thời gian bảo hành chưa được thanh toán nợ.

"Thế nhưng tới nay vẫn chưa có phương án khắc phục, không có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý, lấy lại công bằng cho doanh nghiệp nhà thầu. Dù doanh nghiệp gửi đơn cầu cứu nhưng Thanh tra Chính phủ cũng im lặng không trả lời; Công tác thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không đi đến hồi kết. Vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản không được khắc phục chính là sự bất bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư" - ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, việc công ty xây dựng ký kết với chủ đầu tư để làm nhà thầu trong dự án bất động sản, nhưng sau khi hoàn thành công việc, phía chủ đầu tư chây ì không tất toán khiến các doanh nghiệp nhà thầu lớn, nhỏ đều rơi vào cảnh lao đao.

Đơn cử như trường hợp của Tổng Thầu EPC, đơn vị này nhận nhiệm vụ thi công dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), dự án được khởi công trước Đại hội 11, thế nhưng đến nay trải qua 05 năm khánh thành, bàn giao cho chủ đầu tư, Tổng thầu này vẫn chưa được xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính.

Nhà thầu xây dựng lao đao vì nợ đọng - Ảnh 1.

Đã đưa vào sử dụng từ lâu, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng dự án Artemis Lê Trọng Tấn vẫn đang kiện tụng vì nợ đọng tiền xây dựng.

Hay mới đây, tại dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis (dự án Artemis) số 3 Lê Trong Tấn, P.Khương Mai, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, chủ đầu tư là Công ty CP ACC Thăng Long và nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta đã xảy ra tranh chấp, kiện trung liên quan đến 10% giá trị còn lại của hợp đồng thi công xây dựng. Cho đến nay, dù tòa nhà đã đi vào sử dụng hơn 3 năm, nhưng giữa hai bên chưa thống nhất được các vấn đề tồn đọng của hồ sơ quyết toán.

Thậm chí, như trường hợp tại dự án Manhattan Tower 21 Lê Văn Lương (Hà Nội), đơn vị thi công dự án là Tổng Công ty Vinaconex đã phải "tháo chạy", thu hồi toàn bộ máy móc thi công vì chủ đầu tư 5 lần 7 lượt phớt lờ việc thanh toán theo tiến độ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, để bảo vệ nhà thầu khỏi những chủ đầu tư trên, Luật Xây dựng cần quy định chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán cho triển khai dự án.

"Cụ thể, chủ đầu tư phải bảo đảm thanh toán hết cho các nhà thầu mới được đưa công trình vào vận hành, sử dụng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải từng bước chuyển sang cơ chế thị trường", ông Hiệp kiến nghị.

Diệu Hoa (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.