07/12/2017 7:29 AM
Không chỉ tồn tại nhiều bất cập trong quản lý, vận hành, mà nhiều tòa chung cư ở Hà Nội đang trong cảnh hoang vu bởi người dân không đến nhận nhà, không về ở. Khi Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) đề xuất phá bỏ ba tòa nhà tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên), một lần nữa cho thấy những lỗ hổng lớn của công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và cần một phương án khả thi.
Khu TĐC Sài Đồng bị bỏ hoang nhiều năm qua

Nhà vắng bóng người

Vượt qua những con phố đông đúc, ngột ngạt, tôi “rơi” vào một nơi thật lạ. Đó là ba tòa nhà tái định cư (TĐC) sáu tầng ở Khu đô thị (KĐT) mới Sài Đồng, thuộc quản lý của Hanco3. Phần nhiều diện tích khuôn viên, sân để cỏ mọc, thi thoảng có khoảnh đất người dân tận dụng trồng rau xanh.

Một dự án cũng “gan lì” không kém là KĐT Pháp Vân -Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) với những tòa nhà xây cao ngất ngưởng mà đến gần chục năm không được hoàn thiện, bỏ hoang. Trong đó có Khu nhà ở sinh viên gồm sáu khối nhà 19 tầng bề thế, nhưng nhiều năm để cỏ dại mọc, chỉ có ba khối nhà được đưa vào sử dụng vào năm 2015 nhưng thưa vắng học sinh, sinh viên. Còn lại nhiều chỗ thành tụ điểm chích hút của các đối tượng nghiện ngập.

Không đến nỗi hoang tàn, dự án 4A Tạ Quang Bửu, với tòa nhà 20 tầng “ngự” ở khu đất vàng nhưng đã nhiều năm qua không có người ở. Xuôi xuống phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), tìm hiểu tại hai tòa nhà A1 và A2 chung cư Cánh Đồng Mơ, được xây dựng cách đây hơn 10 năm cũng thưa thớt người ở. Đặc biệt, ở tòa A2, tường đã bong tróc, chân tường ngấm nước, nền sụt lún và điều đáng nói là các căn hộ luôn trong cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”.

Nhiều khu TĐC khác có tới 50% căn hộ cửa đóng then cài là nhà A 14 KĐT Nam Trung Yên; các khối nhà CT1A, B, C của khu TĐC Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm)… Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có hơn 1.000 căn hộ chung cư bỏ hoang, đây là một nghịch lý ở thời buổi tấc đất tấc vàng, nhu cầu sử dụng nhà ở căng thẳng.

Vì sao nên nỗi?

Vì sao dù nhiều người dân “khát” nhà, chỗ ở chật chội nhưng vẫn quay lưng với căn hộ TĐC? Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện như dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, một phần đường vành đai 3… Còn theo nhiều chuyên gia, đang có sự lệch pha, chưa có tiếng nói chung giữa nhà đầu tư dự án với người sử dụng. Các đơn vị quy hoạch, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc hoàn thành công trình và giao nhà, chứ chưa chú ý đến nhu cầu chính đáng của người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phân tích, nhà TĐC bỏ trống là không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của những người giải phóng mặt bằng. Thí dụ như có những hộ ở Mỹ Đình lại TĐC sang… Gia Lâm, ở Tây Hồ lại phải di chuyển về… Hà Đông.

Trao đổi với chúng tôi, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, riêng khu TĐC Sài Đồng được xây dựng quá máy móc, không tham khảo ý kiến người dân và không được người dân đồng thuận. Còn nhiều dự án khác được vẽ ra theo trí tưởng tượng của các cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý, của một nhóm lợi ích.

Nhiều ý kiến đồng tình cho biết thêm, có nghịch lý là do chủ trương chưa gắn liền với thực tế. Đúng ra ở ngoại thành, có quỹ đất nên bố trí cho người dân TĐC bằng nhà mặt đất, đằng này lại đưa họ lên cao, đẩy họ xa môi trường kiếm sống. Một nguyên nhân khác, “chung cư di dân” hiện tại đang đồng nghĩa với một loại nhà ở có thiết kế xây dựng, quy hoạch thấp, đó là sản phẩm của cách tiếp cận bất bình đẳng của những dân cư phải di chuyển ra khỏi nơi ở hiện tại để giao mặt bằng cho chủ dự án và những chủ dự án tiếp quản mặt bằng này.

Sát sao tìm hiểu đời sống của bà con các khu TĐC nhiều năm qua, chúng tôi ghi nhận nhiều nỗi bức xúc, nhọc nhằn của họ khi phải sống trong những căn hộ xuống cấp trầm trọng, trong khi đó công tác bảo trì lại… như rùa bò. Điều đó dẫn đến số hộ được TĐC thật sự sống gắn bó chỉ chiếm 30%, còn lại đã bán chuyển đến nơi ở khác.

Tiêu biểu nhất là khu TĐC Đồng Tầu thuộc phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), từ năm 2014 Sở Xây dựng đã có kết luận thanh tra, yêu cầu xử lý các đơn vị liên quan. Trong đó yêu cầu Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng và Công ty CP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thiết kế công trình, không thực hiện đúng TCXD 45-78, không tính toán nền công trình để đưa ra giải pháp thiết kế nền phù hợp với nền đất yếu, là nguyên nhân dẫn đến sụt lún nền công trình trong quá trình sử dụng.

Sau nhiều lần làm việc với Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý và khai thác KÐT, đơn vị chịu trách nhiệm về các khu TÐC, chúng tôi đã nhận được những câu trả lời quẩn quanh về trách nhiệm cụ thể và những vướng mắc trong quản lý, vận hành các tòa nhà TĐC. Còn trong Báo cáo số 235 ngày 9/8/2017, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục chỉ ra: Mô hình tổ chức hoạt động của Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội còn nhiều bất cập; trách nhiệm không cao, chậm triển khai thực hiện; chất lượng quản lý, vận hành nhà chung cư chưa tốt, thiếu chuyên nghiệp.

Đâu là giải pháp?

Trả lời về việc xử lý ba tòa nhà TĐC ở Khu đô thị mới Sài Đồng ra sao, ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trước đề xuất của Hanco 3, thành phố đã giao cho Sở Xây dựng và một số đơn vị khác xem xét. Thành ủy Hà Nội cũng đã yêu cầu Chủ đầu tư lập hai phương án, trong đó có cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm NƠXH hoặc là phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.

Trong thời gian tới, Hà Nội hoàn thành GPMB hơn 2.000 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000 héc-ta, liên quan tới hơn 80.000 hộ dân, bố trí TĐC cho hơn 19.000 hộ dân. Điều này cho thấy nhu cầu về quỹ nhà TĐC ở Hà Nội khá lớn. Song để tránh xảy ra nỗi bức xúc, nhận được sự đồng thuận thì đầu tiên người dân phải được bảo đảm điều kiện sống tối thiểu, nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; nâng cao chất lượng nhà TĐC.

Các hộ dân tại các tòa TĐC kiến nghị rằng cần đền bù bằng tiền thỏa đáng cho người dân. “Nếu cứ thực hiện theo chế độ “hàng đổi hàng”, nghĩa là thu nhà và trả lại căn nhà khác nhưng thậm chí chất lượng kém hơn thì người dân không nghe đâu! Sẽ lại sinh ra bất cập thôi!”, một người dân ở khu TĐC Đồng Tàu bày tỏ.

Sơn Bình (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.