CafeLand - Bức tranh thị trường bất động sản 2019 dù có gam màu xám nhưng không quá ảm đạm. Nhìn chung, các phân khúc nhà hiện nay đang phát triển tốt, được thị trường đón nhận. Riêng phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH), nhu cầu được đánh giá là rất lớn, nhưng tại một số địa phương, việc triển khai dự án lại rất chậm, còn nhiều bất cập, khó khăn.

Tại cuộc họp báo quý 3/2019, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong chín tháng năm 2019, chương trình phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 106 dự án, quy mô xây dựng khoảng 44.450 căn hộ. Bên cạnh đó, 148 dự án khác đang được tiếp tục triển khai, với quy mô khoảng 91.600 căn.

Riêng Hà Nội đã thông qua việc xây dựng năm khu đô thị NƠXH tập trung và giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với khoảng 301,64ha đất. Trong đó, các khu đô thị tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh có diện tích khoảng 44,72ha và 39,5ha; tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm có diện tích khoảng 53ha; tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì và tại huyện Thường Tín có diện tích khoảng 44,62ha; tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh có quy mô 116,7ha.

Trong khi đó, tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng…, việc triển khai xây dựng NƠXH còn rất hạn chế, công nhân vẫn phải thuê nhà trong các khu dân cư không đảm bảo về đời sống vật chất.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, cho rằng NƠXH gặp khó do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là chính sách.

Theo ông Thành, hiện đã có nghị định triển khai NƠXH nhưng đến khâu triển khai thì lại tắc.

“Khi tiếp cận thị trường quốc tế, tôi thấy có tới 80% là NƠXH, nhà ở cao cấp chỉ chiếm 20%. Còn Việt Nam thì ngược lại, có thể là do thị trường Việt Nam phát triển và do dân mình giàu hơn, nhưng việc phát triển NƠXH chậm như hiện nay có lẽ là do chính sách. Chính sách cần đi vào thực tiễn hơn, tôi cho rằng việc phát triển NƠXH đang có vấn đề. Nhưng muốn để thị trường phát triển bền vững thì cần thúc đẩy phân khúc này mạnh mẽ hơn”, ông Thành nói.

Đánh giá về thị trường căn hộ nói chung, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, thừa nhận nguồn cung nhà ở giá rẻ đang thiếu. Số lượng nhà có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 không nhiều, nguồn cung nhà ở xã hội thì lại “dậm chân tại chỗ", trong khi nguồn cung nhà khoảng hơn 1 tỉ đồng/căn thì nhiều hơn.

Chính phủ và Bộ Xây dựng nhận định chính sách với bất động sản không thiếu, nhưng việc phát triển NƠXH tại Việt Nam có hai vấn đề khó khăn.

Thứ nhất là về nguồn vốn. Luật Nhà ở quy định Nhà nước dành lượng vốn nhất định cho vấn đề NƠXH. Giai đoạn có nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỉ đồng đã làm tốt, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất tăng thêm nguồn vốn vài nghìn tỉ đồng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ảnh minh hoạ.

Thứ hai là trong triển khai thực hiện tại địa phương, có địa phương quan tâm nhưng có địa phương dường như thờ ơ, có đất nhưng không làm. Bên cạnh đó, có địa phương chọn địa điểm xây dựng NƠXH không phù hợp, dẫn đến không phát triển được dự án hoặc có phát triển dự án nhưng không có nhiều người về ở.

Về vấn đề này, theo ông Khởi có hai giải pháp để giải quyết. Thứ nhất, phải nhanh chóng rà soát lại các dự án. Thứ hai, đối với các doanh nghiệp, cần xác định đây là cơ hội để cơ cấu lại sản phẩm, điều chỉnh lại thiết kế căn hộ để phù hợp với nhu cầu.

Ở góc độ quản lý, Bộ Xây dựng khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đồng thời nghiên cứu đề xuất có ưu đãi cho loại nhà ở thương mại giá thấp để thúc đẩy nguồn cung.

“Tôi cho rằng đây là yếu tố cần thiết để thúc đẩy thị trường. Về phía doanh nghiệp, đây là thời điểm cần thay đổi cơ cấu sản phẩm. Nếu doanh nghiệp phát triển theo hướng này, tôi tin là hàng ra đến đâu sẽ hết đến đó”, ông Khởi nói.

Ông Khởi cũng cho biết, Luật Đất đai năm 2020 sẽ được trình Quốc hội, theo chiều hướng tháo gỡ giúp doanh nghiệp phát triển chứ không phải hạn chế, cản trở. Trong đó có các vấn đề về NƠXH, nhà ở giá thấp. Điều này mang lại kỳ vọng phân khúc NƠXH trong thời gian tới.

  • Tiền đầu tư cho nhà ở xã hội bị “đóng băng”

    Tiền đầu tư cho nhà ở xã hội bị “đóng băng”

    Số tiền thu từ quỹ 20% để phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương, nhất là ở TP.HCM rất lớn, nhưng bị “đóng băng” trong Quỹ phát triển nhà ở, trong khi người thu nhập thấp thiếu khoản hỗ trợ tài chính để mua nhà ở xã hội.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.