CafeLand – Suốt 3 tháng qua, câu chuyện nhà ở xã hội vẫn râm ran trong dư luận bởi những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai vay mua nhà cho người thu nhập thấp cũng như việc chuyển đổi dự án của doanh nghiệp bất động sản. Trở ngại và khó khăn vẫn tiếp nối nhau cản bước hành trình tìm kiếm một nơi “an cư lạc nghiệp” của nhiều người.

Tại một thành phố lớn như TP.HCM vẫn còn dư thừa đến 5.400 nhà tái định cư chưa bán được bởi lý do giá cao. Ảnh: K.Linh

Tại một hội thảo về nhà ở xã hội mới đây, nhiều người dân có nhu cầu mua nhà đều thắc mắc xoay quanh vấn đề về thủ tục vay mua nhà. Theo họ đây là điểm nghẽn cản trở rất nhiều người dân muốn tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng đã giải đáp cặn kẽ về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện tại một mối lo mới lại xuất hiện khi thực trạng nguồn cung nhà ở xã hội đang rất khan hiếm. Có nghĩa là dù thủ tục có được thông thoáng, ngân hàng có tiền cho vay nhưng nhà không có thì chuyện giúp người nghèo có nhà cũng chỉ là trên lý thuyết.

Mất cân đối cung cầu vốn dĩ là căn bệnh trầm kha của bất động sản Việt Nam. Chính những năm tháng chạy theo cơn sốt đất, giới đầu cơ đã làm méo mó đi bản chất thật của thị trường nhà đất. Và hiện tại, hậu quả để lại là sự khiếm khuyết nghiêm trọng thị phần nhà ở xã hội cần thiết. Bởi vậy nhiều câu hỏi đặt ra là vì sao nước ta còn nghèo nhưng nhà sang, siêu dự án lại chiếm đa số?!

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định “khó khăn cơ bản là thiếu nguồn cung, Bộ Xây dựng và chính quyền các cấp đang tập trung vào thúc đẩy giải quyết khó khăn về trình tự thủ tục để đẩy mạnh tăng trưởng nguồn cung về nhà ở xã hội”.

Cũng theo thứ trưởng, “Hiện nay cả nước có khoảng 167 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô 18.850 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 32 dự án với quy mô gần 20.000 căn”.

Mặt khác, theo số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng, tổng nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay tại một số thành phố lớn là rất cao, tuy nhiên nguồn cung hiện có hoặc sắp triển khai lại rất hạn chế. Cụ thể, nhu cầu tại Hà Nội là 110.000 căn nhưng nguồn cung từ những dự án nhà ở xã hội đang triển khai chỉ đạt khoảng 15.000 căn; tại TP.HCM là 134.000 căn, Bình Dương là 104.000 căn, Đồng Nai là 95.000 căn. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn cả nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 34.000 căn từ 50 dự án đăng ký chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tại một thành phố lớn như TP.HCM vẫn còn dư thừa đến 5.400 nhà tái định cư chưa bán được bởi lý do giá cao.

Tính đến giữa tháng 8/2013, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân cho 208 hộ gia đình cá nhân vay tiền theo gói 30.000 tỷ đồng, với tổng sổ tiền là 49 tỷ đồng. Tuy con số người được vay ưu đãi sẽ tăng lên theo từng ngày, tuy nhiên để giải quyết vấn đề người nghèo có được nhà là cả một quá trình dài lâu, không thể gấp gáp bởi sự vướng víu trong thủ tục và khó khăn về nguồn cung.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng có nhận định “Gói tín dụng này không phải để cứu bất động sản, mà để tăng cầu về kinh tế, giúp người thu nhập thấp có nhà ở. Do đó, không thể giải ngân nhanh mà phải từ từ, đúng đối tượng, trong năm nay cố gắng giải ngân được 5 nghìn tỷ là đáp ứng yêu cầu”.

Chủ trương phát triển nhà ở xã hội và cho người nghèo vay mua nhà với lãi suất thấp là một chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời của Chính phủ. Tuy nhiên, việc xử lý những vấn đề phát sinh vẫn còn là một bài toán khó, gây đau đầu nhà quản lý cũng như tâm lý ngán ngẩm của người đi mua.

Khánh Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.