Cho đến nay, các chương trình phát triển nhà ở xã hội (NOXH) trọng điểm triển khai được 4 năm, đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, trong mắt người thu nhập thấp, các dự án NOXH đang ngày càng kém lung linh vì quá nhiều bất cập...

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Cần tới 1 triệu căn hộ

Thực tế hiện nay với người lao động (NLĐ) thu nhập thấp, mua được NOXH là cả một đoạn trường nhiêu khê về thủ tục, giấy tờ, nhiều đòi hỏi khắt khe của chính quyền và ngân hàng về thu nhập, khả năng tài chính. Điều này khiến không ít người nản chí, bỏ cuộc. Chưa kể cùng hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi, nhưng giá căn hộ ngay giữa các dự án NOXH ở Hà Nội chênh nhau rất nhiều, có dự án dưới 9 triệu đồng/m2, nhưng có những dự án lên tới 14-15 triệu

đồng/m2, gần bằng giá nhà ở thương mại trên thị trường. Đơn cử, dự án NOXH tại 143 Trần Phú (Hà Đông) do Cty CP đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà - SDU làm chủ đầu tư, dự án NOXH tại 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) do Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư… đều có giá tạm tính ở mức 14,8 - 14,9 triệu đồng/m2. Trong khi dự án NOXH ở Đặng Xá (Gia Lâm) chỉ gần 9 triệu đồng/m2.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu về NOXH của viên chức, CNLĐ có thu nhập thấp rất lớn. Từ nay đến năm 2020 nhu cầu này tại khu vực đô thị ước tính khoảng 1 triệu căn hộ, trong đó tập trung một lượng lớn tại Hà Nội, TPHCM, mỗi địa phương có nhu cầu khoảng 130 - 140 ngàn căn. Tuy nhiên, bản thân Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, bỏ qua các rào cản về thủ tục, số lượng các dự án NOXH hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu và việc triển khai cũng rất chậm.

Kém hấp dẫn giới đầu tư

Lý giải cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là chính sách mới hoàn thiện (hiện các nghị định, thông tư hướng dẫn phát triển NOXH đang được hoàn thiện và trong năm 2015, Luật Nhà ở mới đi vào cuộc sống). Thứ hai, đây là chiến lược phát triển dài hạn lâu dài, chứ không phải trung hạn, ngắn hạn. Mặt khác phát triển NOXH cần rất nhiều tiền, trong khi ngân sách nhà nước không có để đầu tư mà cần phải xã hội hoá.

Một mâu thuẫn nữa là phát triển NOXH ở đô thị yêu cầu phải có chất lượng tốt nhưng giá phải rẻ, để phù hợp với người có thu nhập thấp. Vì vậy, đầu tư vào NOXH không thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, đây cũng là nguyên nhân khiến các NOXH chậm triển khai, thực hiện.

“Để đẩy mạnh việc triển khai NOXH, tôi cho rằng cần có sự vào cuộc của các cơ quan T.Ư và đặc biệt là vai trò của các địa phương trong việc lập chương trình làm việc, kế hoạch phát triển NOXH, coi đây là nhiệm vụ chính trị của kế hoạch 5 năm và hằng năm. Các địa phương cần tập trung chuẩn bị quỹ đất, tạo điều kiện để các DN sử dụng nhiều lao động, cũng như các DN kinh doanh bất động sản được đầu tư kinh doanh NOXH một cách thuận lợi nhất.

Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển NOXH cho cán bộ, công nhân các KCN thuê cải thiện chỗ ở. Các KCN tạo ra sự gia tăng cơ học về NLĐ rất nhanh, nếu chúng ta không chủ động quỹ đất để phát triển nhà ở thì người công nhân sẽ rất khó khăn…” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đưa ý kiến.

Bình Dương mở toang “cánh cửa” nhà ở xã hội

Sau khi thí điểm 5.000 căn hộ đầu tiên loại nhà 30m2 tại thị xã Thuận An và TP.Thủ Dầu Một bằng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN), Bình Dương mở toang “cánh cửa” cho các dự án nhà ở xã hội (NOXH) bị ách tắc trong một thời gian dài. Căn hộ diện tích nhỏ với mức giá thấp, bình quân hơn 100 triệu đồng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dân nhập cư, phù hợp với đa số người lao động (NLĐ) có thu nhập vài triệu đồng/tháng.

Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại khu nhà ở Hòa Lợi, TP.Thủ Dầu Một cho thấy, 2.500 căn hộ đang được phủ kín bởi các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp dọn về đây sinh sống. Chị Nguyễn Thị Ánh Linh - công nhân quê ở Bình Định cho biết: “Để mua nhà trên cũng dễ chỉ có giấy chứng minh tạm trú, có HĐLĐ tại DN nộp cho chủ đầu tư là mua được căn hộ. Tuy nhiên, ban đầu cũng phải trích cóp 20 triệu đồng trả lần đầu.

Theo ông Bùi Văn Chiến - Phó TGĐ Becamex IDC, chủ đầu tư mô hình NOXH có giá 110-150 triệu đồng - cho biết, đến nay, phần lớn người mua nhà là người dân tạm trú và chỉ cần tạm trú 6 tháng và có việc làm là mua được nhà theo hỗ trợ vốn tín dụng lãi suất thấp; trong đó vốn từ gói 30.000 tỉ đồng cũng hỗ trợ cho hàng trăm người mua được nhà. Đối với căn hộ loại 110 triệu đồng, người mua chỉ cần đóng trước 20% (tương đương 20 triệu đồng) là có được nhà.

Số nợ còn lại được ngân hàng hỗ trợ vay trả góp trong 10-15 năm. Với thời gian hỗ trợ vốn mua nhà kéo dài, nên người mua chỉ cần trích góp được tháng hơn 1 triệu đồng như tiền thuê nhà trọ là có nhà để ở.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Tài - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, để có mô hình nhà ở xã hội đột phá thành công như vừa qua, tỉnh vận dụng nhiều chính sách ưu đãi; trong đó như tận dụng quỹ đất quy hoạch sẵn có tại các KCN, miễn giảm thuế đất đai và huy động tài chính từ nguồn lực đầu tư của DN. Tới đây, mô hình xã hội tại Bình Dương sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm trên 10.000 căn hộ với diện tích 30 - 50m2.

Trung Thành

  • Bình Dương: Nhiều công nhân không biết nhà ở xã hội

    Bình Dương: Nhiều công nhân không biết nhà ở xã hội

    CafeLand - Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh này đang triển khai 37 dự án nhà ở xã hội để phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp tại các khu đô thị và cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, nhiều công nhân không biết đến các dự án này.

Song Minh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.