06/01/2014 4:19 PM
Không chỉ các dự án nhà ở thương mại phải hoãn, giãn tiến độ, thậm chí bỏ hoang vì chủ đầu tư không còn khả năng về vốn, nhiều dự án nhà ở xã hội (NoXH) - phân khúc nhận được nhiều ưu ái nhất trong năm qua - cũng đứng trước nguy cơ đổ bể vì thiếu vốn.

Phối cảnh dự án SDU 143 Trần Phú (Hà Đông,Hà Nội) đã thu hút nhiều khách hàng,nhưng đến nay vẫn chưa xong phần móng.

Khách hàng nổi giận

Sáng 3-1, hàng chục khách hàng của dự án nhà cho người thu nhập thấp Sài Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội đã căng băng rôn trước trụ sở chủ đầu tư là CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) để phản đối việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà nhưng lại đòi phạt khách hàng vì không nộp tiền đúng thời hạn.

Đại diện khách hàng cho biết, theo cam kết trong hợp đồng, Hanco3 phải giao nhà từ quý II-2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã quá hạn hơn nửa năm, khách hàng vẫn chưa được nhận nhà do dự án chưa xong.

Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn liên tiếp gửi thông báo nộp tiền huy động vốn, cũng như gửi thông báo phạt khách hàng đóng tiền chậm. Nhiều khách hàng đã tỏ ra nghi ngờ về năng lực tài chính của chủ đầu tư và bày tỏ ý định sẽ yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại tiền, không tiếp tục mua nhà.

Chưa căng thẳng đến mức phải biểu tình như khách hàng ở dự án khu đô thị Sài Đồng, nhưng tại một số dự án NoXH khác nhiều khách hàng cũng bày tỏ nỗi băn khoăn về vấn đề vốn của các chủ đầu tư.

Tại dự án SDU 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), từ tháng 9-2013, nhiều khách hàng đã bày tỏ ý kiến về việc chủ đầu tư CTCP Đầu tư Xây dựng - Phát triển Đô thị Sông Đà (SDU) yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước 70 triệu đồng dù dự án chưa xây xong móng.

Theo một số khách hàng, đây là yêu cầu “lạ”, bởi theo quy định, sau khi đã đáp ứng được điều kiện về đối tượng xét duyệt, khách hàng và chủ đầu tư sẽ thỏa thuận phương thức thanh toán và chủ đầu tư phải hoàn thành xong phần móng mới được huy động vốn.

Một dự án khác cũng gây lình xình không kém là Ricecity Tây Nam Linh Đàm, do CTCP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, khi công ty này yêu cầu khách hàng phải đóng trước 20% giá trị hợp đồng để… xây móng, một điều chưa từng có với các dự án NoXH.

Theo các chuyên gia BĐS, dù nhận được nhiều ưu đãi, nhưng các dự án NoXH cũng không hoàn toàn “ngồi mát ăn bát vàng”, bởi nguồn vốn để xây dựng phụ thuộc phần nhiều vào yếu tố bên ngoài.

Đặc biệt là các dự án NoXH được chuyển đổi từ nhà ở thương mại tình cảnh càng bi đát hơn, bởi lẽ xin chuyển đổi đã là “cực chẳng đã”. Trong khi đó, với tốc độ giải ngân ì ạch của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, việc vay được vốn vẫn còn là mơ ước của đa số doanh nghiệp. Chính vì vậy, một số chủ đầu tư dự án NoXH đã tìm cách “lách” để có thể bước đầu triển khai dự án trong khi đợi ngân hàng “tiếp tế”.

Chủ đầu tư khốn đốn

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về tình hình phát triển NoXH trên địa bàn, dự kiến đến năm 2015 TP có hơn 56.000 căn nhà cho người thu nhập thấp và nhà cho sinh viên thuê. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được khoảng 60% do nhiều chủ đầu tư không thể thực hiện dự án dù đã được TP chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thí dụ dự án Bắc An Khánh của Tổng công ty Vinaconex và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội với hơn 5.000 căn; dự án Thanh Lâm Đại Thịnh (Mê Linh) của Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị khoảng 1.500 căn; dự án khu nhà cho người thu nhập thấp ở Đông Anh của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội khoảng 1.500 căn.

Ngoài ra, theo UBND TP Hà Nội, nhà cho sinh viên bị thiếu nguồn vốn đầu tư, nhà cho công nhân và NoXH cho thuê, thuê mua không có nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư còn gặp khó khăn trong sử dụng vốn vay để đầu tư xây dựng mới và mua NoXH theo Nghị quyết 02.

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 11-2013, ngân hàng đã cho vay 350 khách hàng, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp với hạn mức cho vay 469,8 tỷ đồng. Trong đó, NoXH vay gần 392 tỷ đồng, nhà thương mại khoảng 77,9 tỷ đồng. Giải ngân đạt hơn 235 tỷ, trong đó có hơn 201 tỷ đồng dành cho NoXH. Con số này được xem là quá khiêm tốn so với nhu cầu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc chậm trễ trong triển khai gói 30.000 tỷ đồng cùng với những khó khăn từ phía ngân hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng NoXH cảm thấy “nản”. Quy trình xét duyệt dài, khó khăn, độ trễ cao khiến nhiều dự án dù đã được đồng ý chuyển đổi vẫn dậm chân tại chỗ, doanh nghiệp bế tắc trong việc triển khai.

Và từ đó, nguy cơ chậm tiến độ với khách hàng, thậm chí bị khách hàng kiện tụng hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, theo TP Hà Nội, việc tìm kiếm nguồn vốn dài hạn để xây dựng quỹ NoXH cho thuê, hỗ trợ các dự án nhà thương mại sang NoXH, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư sẽ trở thành điểm quan trọng của thị trường BĐS trong thời gian tới.

Khôi Nguyên (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.