Không nằm ngoài khó khăn chung, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên ở Hà Nội cũng đang gặp những khó khăn về vốn.
Giá cả vật tư, vật liệu thay đổi, đặc biệt là chế độ tiền lương có xu hướng tăng mạnh, đã tác động không nhỏ đến tổng mức đầu tư của các dự án. Sở Xây dựng đã phải tính đến việc chuyển đổi một tòa nhà từ nhà ở sinh viên sang nhà ở cho người thu nhập thấp để cân đối kinh phí.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng về tình hình triển khai các dự án nhà ở sinh viên do Sở làm chủ đầu tư, nhìn chung các dự án đều có nhu cầu bổ sung vốn, điều chỉnh dự toán.

Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Mỹ Đình II có quy mô 5 đơn nguyên, 21 tầng với 1.228 phòng ở. Dự án được giao kế hoạch vốn lũy kế từ khởi công đến 31/7 là 758,5 tỷ đồng; giá trị giải ngân lũy kế từ khởi công đến 31/7 là 720 tỷ đồng. Dự án phải điều chỉnh dự toán phần hoàn thiện tăng khoảng 150 tỷ đồng, tuy nhiên mức tăng này chưa vượt tổng mức đầu tư. Hiện, Sở Xây dựng đang hoàn thiện các thủ tục giải ngân để hoàn thành kế hoạch năm 2013. Căn cứ vào quyết định đầu tư được phê duyệt, Sở Xây dựng tính toán số vốn cần bổ sung cho năm 2014 của dự án này hơn 220,4 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách TP là 93,5 tỷ đồng.
Nhà ở cho sinh viên ở Pháp Vân - Hà Nội không kịp tiến độ vì thiếu vốn. Ảnh: Thịnh Thái
So với dự án Mỹ Đình II, dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Dự án được phê duyệt từ năm 2009 với tổng mức đầu tư 1.492,5 tỷ đồng. Năm 2009, khi khởi công xây dựng các hạng mục nhà A1, A5, A6 và 2 đơn nguyên thuộc nhà A2 thì các hạng mục nhà A3 và đơn nguyên 3 nhà A2 vẫn chưa được GPMB. Đến thời điểm này, nhà A4 vẫn chưa có mặt bằng để thi công. Một số tòa nhà đã tiến hành thi công đều đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhà A5 và A6 đang hoàn tất hồ sơ bàn giao.

Trong quá trình triển khai dự án trên, do kế hoạch vốn các năm được bố trí chưa đủ về khối lượng và thời điểm bố trí vốn chậm so với nhu cầu nên tiến độ thực hiện chậm. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan như giá cả vật tư, vật liệu, đặc biệt là chế độ tiền lương nhân công có xu hướng tăng mạnh, dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án tăng vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Với dự án này, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP và Bộ Xây dựng bố trí bổ sung kế hoạch vốn năm 2013 là 135 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 100 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP. Nếu được bổ sung kế hoạch vốn năm nay theo nhu cầu thì số vốn cần trong năm 2014 cho dự án là 570,7 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh, vốn của dự án tăng 346,4 tỷ đồng.

Căn cứ theo các quy định, hướng dẫn hiện hành (đặc biệt là Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ), trong trường hợp việc bố trí kế hoạch vốn bổ sung trong năm 2013 và năm 2014 gặp nhiều khó khăn, để giảm áp lực về nhu cầu vốn cho dự án, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP và Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi hạng mục nhà A3 Pháp Vân - Tứ Hiệp từ nhà ở sinh viên sang nhà ở cho người thu nhập thấp. Sở cũng đề xuất giao Tổng Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC làm chủ đầu tư, tổ chức điều chỉnh công năng của nhà A3 cho phù hợp với mục đích sử dụng mới và tiến hành bán cho các đối tượng thu nhập thấp theo quy định. Theo tính toán của Sở Xây dựng, nếu giải quyết theo phương án này sẽ thu hồi được khoảng 110 tỷ đồng đã thanh toán cho đơn vị thi công để đầu tư cho các hạng mục còn lại.
Hạnh Nguyên (Kinh tế & đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.